“Tai vách mạch dừng” hay là “Tai vách mạch rừng”?


arne jacobsen, aarhus town hall 1937-1942


Trong dân gian thường hay sử dụng câu “Tai vách mạch dừng” để nhắc nhở việc cẩn thận trong nói năng kẻo có ngày lại bị thiệt thòi bởi những nỗi niềm riêng tư của bản thân bị nhiều người bàn tán. Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng có câu :



Ở đây tai vách mạch dừng


Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi


Câu thành ngữ này còn có một phiên bản khác là “Tai vách mạch rừng”. Vậy thì “mạch rừng” hay “mạch dừng” là đúng?


Ở vế đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng giải nghĩa. Vách là nói về những bức tường ngăn cách các buồng xung quanh ngôi nhà, nói tai vách là nhân cách hóa cái vách lên, nói ở đâu cũng có vách, có tai để nghe mình nói nên mình phải cẩn thận. Ở vế thứ hai, “dừng” là một từ cổ chỉ những thanh tre nhỏ đan ken vào nhau để tạo thành xương vách (sau đó sẽ trát bùn lên) cho những ngôi nhà cổ thời xưa. Theo các nhà nghiên cứu, khi nói tới mạch dừng là nói tới sự hiển nhiên : dừng thì có khe, có mạch và cũng có thể lan truyền. Sự kết hợp hai vế cho ta thấy được cái nghĩa là “vách có tai, dừng có mạch” đừng có nói linh tinh nếu không dễ bị nghe, bị lộ, bị lan truyền bởi người đời.


Ca dao kháng chiến cũng có câu sau đúng với nghĩa “vách có tai, dừng có mạch” :



Ở đây tai vách mạch dừng


Những điều bí mật xin đừng ba hoa


Như vậy, “Tai vách mạch dừng” mới là câu thành ngữ nguyên bản. Có thể theo thời gian hoặc biến đổi theo địa phương nên mới chuyển thành “Tai vách mạch rừng”. Tuy vậy, nghĩa của cả hai câu đều như nhau.

Bài liên quan

Bài liên quan