Trẻ còn nhỏ thường hay bám mẹ vì nhiều lý do: trẻ sợ điều gì đó, muốn được mẹ chăm sóc… Tất nhiên các mẹ không nên quá hờ hững hay xa lánh con, nhưng nếu quá gần con, chiều chuộng con thì cũng không tốt cho sự phát triển của con trước mắt cũng như sau này.
Vì sao trẻ thích bám mẹ?
Bám mẹ là hiện tượng bình thường mà các bé sẽ thể hiện trong quá trình phát triển tâm lý của mình. Chỉ cần nhận ra mẹ đi khỏi tầm mắt của mình, bé sẽ bắt đầu gào lên, la hét và bắt đầu đi kiếm mẹ… Khi còn nhỏ, bé chỉ biết tin tưởng vào người trực tiếp chăm sóc bé, người đó có thể là ba, mẹ, ông bà, hay bất kỳ ai khác.
Khoảng 8 – 10 tháng tuổi, bé bắt đầu học được những điều mới mẻ, bắt đầu hiểu về sự chia cách tạm thời, nhưng hoàn toàn không muốn chấp nhận điều đó.
Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu phát triển một mối liên hệ với người dành nhiều thời gian nhất ở bên cạnh bé và bé sẽ chỉ cảm thấy an toàn trong vòng tay chăm sóc của người đó.
Trẻ quá bám mẹ là thói quen xấu cần tập cho bé bỏ ngay |
Sẽ có thời điểm bé thậm chí không cho ba mẹ, hay bất cứ người nào bé không tin tưởng được ôm, hay ẵm bồng bé.
Bé còn quá nhỏ để hiểu khái niệm về thời gian, và cũng không biết rằng người bé tin tưởng sẽ trở về trong chốc lát, vì thế bé sẽ rất đau khổ, và phản ứng bằng cách khóc lóc, gào thét. Đối với tâm lý những em bé có xu hướng quá bám mẹ khiến mẹ không thể làm được việc gì, hay quấy khóc và cảm thấy rất bất an mỗi khi mẹ đi vắng, mẹ trẻ cần phải có xu hướng điều chỉnh ngay để bé bỏ được tật xấu.
Phải làm gì khi trẻ quá bám mẹ?
Dưới đây là 4 phương pháp giúp cũng cố tâm lý trẻ nhỏ để bé làm quen với việc xa mẹ trước khi đến tuổi đi học
1. Dùng một vật thay thế
Một vật nào đó để nhớ về bố hay mẹ có thể giúp bé đối mặt với sự vắng mặt của bạn tốt hơn, vì vậy khi bạn đi ra ngoài, nên đưa cho bé một vật kỷ niệm cá nhân. Nó có thể là bất cứ thứ gì, từ một tấm ảnh đến một cái áo ấm của bạn hay một cái kẹp áo đặc biệt.
Cũng có khả năng vật thay thế đó sẽ có tác dụng ngược đối với tâm lý trẻ nhỏ vì cứ thường xuyên nhắc bé nhớ về bạn, vì vậy sau khi về, bạn nên hỏi người giữ trẻ xem bé có bị kích động bởi vật đó hay không. Một vật để tạo sự an toàn cho tâm lý trẻ nhỏ như một cái chăn, một con thú bông mềm mại hay thậm chí là chính ngón tay cái của bé cũng có thể là một nguồn ai ủi với bé.
2. Hãy để bé học cách đối mặt
Không có ông bố bà mẹ nào lại muốn con mình có những nỗi buồn không đáng có, nhưng đối diện với sự xa cách là một trong những kỹ năng bé cần học trong cuộc sống. Nếu bạn đã thử mọi cách nhưng không hiệu quả, tốt nhất là không làm gì cả. Đây là lúc để bé hiểu rằng không phải lúc nào mọi người cũng có thể chiều theo ý bé.
Bé phải học cách đối diện nó. Nếu như bé dính chặt vào bạn đến nỗi bạn không thể ra khỏi phòng mà không có sự phản kháng, việc bạn đáp ứng mọi yêu cầu của bé sẽ chỉ làm tình hình tệ thêm.
Bé sẽ an toàn khi ở nhà, vì thế đừng quá lo lắng nếu bé có la khóc khi bạn rời đi. Trước khi rời khỏi, bạn nên cố gắng nói với bé bằng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng chắc chắn rằng mọi thứ sẽ ổn và đừng nên cảm thấy tội lỗi khi để bé ở nhà.
3. Để bé tham gia vào một hoạt động nào đó
Nên cho bé và người giữ trẻ cùng tham gia làm một việc gì đó trước khi bạn rời khỏi. Đến lúc đi, hôn tạm biệt con nhanh chóng và lập tức đi ra cửa.
Bé có thể khóc, nhưng việc đang làm cùng người giữ trẻ sẽ giúp bé xao nhãng ngay khi bạn đi khuất. Ít khi tập trung vào một việc quá lâu là một đặc điểm của tâm lý trẻ nhỏ mà bạn có thể tận dụng trong trường hợp này.
4. Hình thành một quá trình chuyển tiếp
Nếu bạn ra khỏi nhà vào buổi tối, nên nhờ người trông trẻ đến sớm nửa tiếng. Bạn hãy dành khoảng nửa tiếng trước khi đi để cả bạn, bé và người trông trẻ có thể cùng làm chung một số hoạt động. Khi bé trông có vẻ vui vẻ cùng người giữ trẻ là lúc bạn có thể rút lui trong im lặng.
Nếu như bé đem đến cho bạn một cuốn sách và muốn bạn đọc, bạn có thể hướng bé theo hướng khác bằng cách nói với bé: “Con có thấy là chị ấy muốn đọc sách cùng con không?” hay nếu như bé muốn được bế, hãy gợi ý rằng bé người giữ trẻ rất thích làm công việc này.
Một điều bạn nên biết về tâm lý trẻ nhỏ là chỉ cần bố hoặc mẹ còn ở đó, bé sẽ không muốn gần người trông trẻ. Vì vậy, nếu có thể, hãy để bố của bé đóng vai trò chuyển tiếp. Như vậy, quá trình chuyển tiếp có thể diễn ra nhẹ nhàng hơn nếu như bố đóng vai trò là người trung gian khi mẹ rời đi, và ngược lại.
Hảo Min (t/h)
Theo GĐVN