Biết cách tiêu tiền, biết quý trọng giá trị đồng tiền, biết quản lý tiền bạc là những bài học, những thói quen tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng để trẻ lớn lên có thể trưởng thành, vững vàng, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Người Do Thái dạy con trở thành thiên tài quản lý tiền như thế nào?
Người Do Thái có tầm cỡ nhất hành tinh về thương mại và kinh tế với tên tuổi sở hữu các công ty tài chính không lồ như: Alan Greenspan – Nguyên Chủ tịch Hội đồng thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, người giàu thứ 2 thế giới - Warren Buffett…
Họ đều là người có kỹ năng quản lý tiền một cách bài bản ngay từ nhỏ chứ chưa hẳn là người có tư chất từ bên trong.
Là dân tộc người thông minh nhất trên thế giới nhưng không có nghĩa họ có tư chất đặc biệt về quản lý tiền bẩm sinh hơn các dân tộc khác mà họ thừa hưởng lộ trình "bài toán về tiền" hoàn hảo từ cha mẹ để có những kỹ năng hơn người trong việc quản lý tài sản cho cả cuộc đời, với 4 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Dạy con nhận biết đồng tiền
Nhiều bậc cha mẹ quan niệm, không nên cho trẻ con tiếp xúc với đồng tiền từ nhỏ vì sợ bé không biết tiền là gì và sẽ làm mất nếu cho bé cầm. Đừng làm thế, vì khi đó bạn đang hạn chế khả năng khám phá và nhận biết thế giới xung quanh của trẻ.
Càng nhận biết tiền là gì, tiền ở đầu mà ra và làm ra tiền khó khăn như thế nào thì trẻ càng có tư duy trân trọng đồng tiền và chi tiêu tiết kiệm từ bé. Điều đó sẽ hình thành thói quen tránh lãng phí và sử dụng đồng tiền vào các mục đích chính đáng, cần thiết.
Khi các bé bi bô tập nói tập các hành động tò mò như sờ tiền, cầm tiền hay đòi tiền để chơi. Khi trẻ lớn thêm một chút cũng là lúc bạn nói chuyện với trẻ về tiền bằng những câu chuyện dễ hiểu, ngắn gọn như: Bố mẹ mua nhà mình bằng tiền đi làm và ông bà cho, mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con,…và khi bé nắm được tiền là gì thì hãy đi sâu hơn một chút cho trẻ hiểu được quản lý tiền ra sao khi “con có thể cầm tiền để mua kẹo và đồ chơi”.
Tức là dạy trẻ biết, dùng tiền bạc để có được những thứ trẻ thích, đó cũng chính là điều khơi dậy trong tiềm thức của con là “tiền đặc biệt quan trọng và cần thiết cho cuộc sống”.
Bước 2: Tập cho con cách cầm tiền
Biết được tiền rất quan trọng rồi thì trẻ sẽ ham thích cầm tiền trong tay cũng như muốn sở hữu tiền để mua tất cả các đồ chơi, món ăn ….
Bố mẹ không nên cấm đoán việc cho trẻ cầm tiền để tự chi tiêu |
Vì thế, ngược lại với các ông bố, bà mẹ người Việt cấm không cho con cầm tiền để tự chi tiêu cho các khoản tiêu trong ngày vì sợ trẻ sẽ không giữ được tiền và có thế gây nguy hiểm cho các con.
Điều đó vô hình chung đang đẩy con vào tình trạng “ngửa tay xin tiền” trong những năm tháng sau đó của cuộc đời. Con sẽ không biết bao nhiêu là đủ cho những khoản chi tiêu “trời ơi, đất hỡi” như quần áo, ăn uống, bạn bè, đồ chơi…và khi lớn lên hình thành tâm lý ỷ lại vào gia đình và con bạn sẽ phụ thuộc vào bạn lúc nào không hay.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc mở tài khoản ngân hàng cho con mình khi con chưa hết cấp 1. Người Do Thái đã làm điều đó hàng trăm năm nay với mục đích là xây dựng cho con một lộ trình quản lý tiền bạc cho cuộc đời hiệu quả nhất. Làm sao bạn có thể biết được rằng con bạn đã biết tiêu tiền đúng cách nếu không thử cho con cầm tiền riêng và mua những thứ trẻ thích.
“Mẹ có 2 triệu trong tài khoản của con, đây là số tài khoản mẹ đã mở, từ nay con có thể mua sắm tất cả những thứ con cần thoải mái mà không cần xin mẹ?”.
Nên nhớ là bạn vẫn phải luôn theo sát tất cả các khoản chi tiêu của con. Trường hợp, con bạn đang dùng tiền để mua những thứ vô bổ và không đáng thì nên gặp riêng con để nhắc nhở con rằng: “Con sắp tiêu hết tiền trong tài khoản rồi đó, con phải giữ lại ít nhất 500 nghìn trong đó chứ?”. ..vv
Sau khi để con tự chi tiêu theo cách mà trẻ muốn thì lúc này, các bố mẹ cần thay đổi chiến thuật là cùng con làm “Bài toán kinh tế quản lý tiền bạc đúng cách” lên danh sách tất cả những việc trẻ cần dùng đên tiền, số tiền là bao nhiêu, còn lại bao nhiêu….đó là tất cả những thứ bạn phải làm để giúp con em mình có cách tiêu tiền, dùng tiền có trách nhiệm".
Bước 3: Cho con cơ hội tự tiêu tiền do trẻ làm ra
Trẻ biết quý trọng đồng tiền, biết tiền quan trọng và tiêu tiền sao cho hợp lý chưa đủ để người Do Thái dạy con trở thành thiên tài của đồng tiền quyền lực. Vì thế, từ bé hãy cho bé cơ hội kiếm tiền bằng khả năng của mình như cách hình thức thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có thành tích tốt trong học tập…một cách hợp lý.
Đừng biến tiền thành công cụ điều khiển con cái. Trong cuộc sống hằng ngày thì bạn nên trò chuyện với câu chuyện về bài toán xoay vòng vốn của người nổi tiếng, quy tắc kiếm tiền…một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.
Khi trẻ còn bé, hãy cho trẻ biết rằng khi con tiết kiệm cũng là lúc con đang kiếm tiền và giúp bố mẹ tiết kiệm tiền (tiết kiệm điện, nước, đồ ăn, đồ chơi,…sách vở.
Những việc làm có thể kiếm được tiền mà bé có khả năng thì đừng ngần ngại cho bé thử, càng khó để kiểm tiền, bé càng hiểu giá trị của đồng tiền và không tiêu tiền một cách lãng phí.
Bước 4: Để trẻ tự quản lý tiền
Mở ngân hàng rồi bạn hãy để bé tự quản lý tiền trong tài khoản của bé. Người Do Thái chỉ cần đưa trẻ đi cùng đên ngân hàng mở tài khoản và tất cả các thông tin về tài khoản, lãi xuất, sao phải gửi tiền ngân hàng…
Từ đó, tài khoản của bé sẽ để bé tự quản lý và chi tiêu dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của bố mẹ sao cho hợp lý phù hợp với các khoản chi tiêu và điều kiện kinh tế của gia đình cũng như khả năng kiểm soát của bé.
Tất cả các bước làm trên đây của người Do Thái đáng để chúng ta học tập không phải vì họ là người thông minh nhất thế giới mà họ đang tạo ra những con người có nhân cách và khả năng quản lý cuộc đời tốt nhất, có tư cách đạo đức, có hiểu biết nhất định về tiền bạc và giá trị của nó thông qua những câu chuyện kinh tế về bài toàn quản lý tiền bạc của các con.
Con của chúng ta đang lớn lên trong một môi trường vây quanh là xã hội kim tiền. Vì thế, không thể tránh khỏi những ảnh hưởng không đáng có về tiền tới nhân phẩm và con người của các con.
Nếu không khéo léo đưa tiền vào nhận thức của con về đồng tiền ngay từ nhỏ, trẻ chẳng mấy chốc sẽ biến thành một con người phụ thuộc và không có khả năng kiếm tiền và giữ tiền. Mà một khi mất đi khả năng không thể thiếu ấy, trẻ khó có thể tồn tại và phát triển toàn diện.
Đừng để tiền chi phối và đè bẹp nhân cách của trẻ, bố mẹ cần dạy trẻ về tiền theo cách của riêng mình.
Những sai lầm kinh điển của cha mẹ khi dạy con về tiền bạc
Nói dối khi bé đòi mua thứ gì đó
Các chuyên gia tâm lý trẻ em đã thống kê rằng, một bé có thể đòi hỏi hơn 100 thứ mỗi ngày với cha mẹ mình. Phụ huynh vì muốn bé chấm dứt đòi hỏi ngay lập tức thường trả lời ngay là: “Mẹ không có đủ tiền” hoặc “Mẹ không đủ khả năng mua thứ này đâu. Nhà mình nghèo lắm”. Khi đó bé sẽ thôi không vòi vĩnh, còn mẹ cũng nhẹ nhõm vì giải tỏa được áp lực.
Tuy nhiên những lời nói dối tưởng như vô hại này về lâu dài lại không có hiệu quả giáo dục với bé. Khi lớn hơn bé có thể biết là cha mẹ luôn có tiền, đủ điều kiện kinh tế chứ không phải không có tiền.
Bởi vậy khi còn đòi mua thứ gì đó mà bạn muốn từ chối, bạn hãy trung thực và đơn giản khi trả lời bé: “Mẹ có tiền đây nhưng mẹ không thể mua món đồ chơi này cho con. Nó quá đắt” hoặc “Mẹ còn tiền nhưng tiền này để mua rau, mua thịt, mua sữa... nữa”.
Không nói về tiền bạc vì sợ làm hư con
Cùng với suy nghĩ này, nhiều phụ huynh thường né tránh những chủ đề nhạy cảm như giới tính, chất nghiện trước mặt con cái. Tuy nhiên đây là một cách dạy con hoàn toàn không khoa học vì nó có thể khiến bé mắc phải nhiều nhận thức sai lầm vì không được cha mẹ chỉ dẫn.
Vì thế nên nói chuyện với con về tiền nong ngay từ sớm, tùy độ tuổi mà có cách dạy bé cho phù hợp. Điều này sẽ giúp bé biết trân trọng đồng tiền và có thể tự quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan về sau.
Không định hướng cách chi tiêu cho bé
Nuôi dạy con trở thành người có ích không phải là dễ. Cha mẹ luôn muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái của họ. Thế nên đôi khi con cái có đòi hỏi quá nhiều thứ phi lý, các bậc phụ huynh vẫn sẵn lòng đáp ứng.
Những sai lầm trong các bài học chi tiêu có thể hình thành rất sớm ở các bé, nhất là khi gia đình có điều kiện và có thói quen tiêu tiền phung phí. Bé sẽ biết bố mẹ có tiền nên không cần cân nhắc, cứ mặc sức mua. Điều này khiến kỹ năng quản lý và tiêu tiền ở bé rất kém.
Ở những giai đoạn đầu đời, bé học hỏi và bắt chước cha mẹ chi tiêu như một cái máy. Tức là bé nhớ mẹ tiêu tiền hoang phí nên “copy” theo. Bởi thế cha mẹ cần luôn là tấm gương về chi tiêu hợp lý cho con.
Với những bé lớn hơn, có quan điểm và một số tiền nhỏ được tiêu riêng thì cha mẹ cũng cần luôn định hướng cho bé. Nếu bạn thấy bé muốn lãng phí tiền trong con lợn đất vào những món đồ nữ trang ngớ ngẩn, hãy gợi ý để bé chỉ mua một món. Một món còn lại, bé có thể mua sau, vào dịp khác.
Keo kiệt với mọi mong muốn của con
Nếu bé tới bên mẹ và nói thích một chiếc guitar đồ chơi, bạn hãy lắng nghe nguyện vọng của bé cho dù bạn chẳng hề hứng thú với âm nhạc.
Nếu đó là mong ước chính đáng, bạn có thể đề nghị bé phải hoàn thành một số việc gì đó trước khi có được phần thưởng này. Đây là cách khuyến khích bé suy nghĩ tích cực để hoàn thành việc mẹ giao nhanh mà hiệu quả nhất.
Bố mẹ không thống nhất cách dạy con chi tiêu
Nếu cha mẹ không cùng quan điểm dạy con về chi tiêu thì bé có thể biết là đòi mẹ không được thì ra xin bố, chắc chắn sẽ được mua đồ chơi cho.
Bởi thế khi dạy con về tiền, đòi hỏi cha mẹ phải thống nhất quan điểm từ trước. Cùng thảo luận xem hàng tháng vợ chồng bạn dành bao nhiêu tiền tiêu vặt cho con, bé có thể mua bất kỳ thứ bé muốn với số tiền này không, nếu bé có số tiền khác (ví dụ ông bà, cô bác cho) thì cha mẹ phải làm thế nào....
Chờ bé thật lớn mới dạy cách tiêu tiền
Nhiều cha mẹ nghĩ bé còn nhỏ sẽ chẳng biết gì nên phải đợi khi bé thật lớn (học tiểu học chẳng hạn) thì mới dạy con tiêu tiền.
Sự thật là càng “om” lâu thì chuyện dạy con tiêu pha càng kém hiệu quả và khó khăn hơn. Bé cần phải biết tôn trọng đồng tiền và biết cân nhắc chi tiêu từ khi còn bé. Đó là nền tảng vững vàng nhất để bé bước vào đời với kiến thức đúng đắn về sử dụng đồng tiền.
Hảo Min (t/h)
Theo GĐVN