Nikkole Paulun - ngôi sao truyền hình thực tế của Mỹ đã khiến cho các bà mẹ trên thế giới phải trầm trồ thán phục vì cách dạy con trở thành một quý ông lịch lãm và hào phóng ngay khi còn là một cậu bé.
Mỗi tháng một lần, cậu con trai 6 tuổi của cô, Lyle, lại mời mẹ ra ngoài ăn tối. Từ thời điểm cả hai ra khỏi nhà, cậu bé sẽ hành động như một quý ông thực sự – từ việc kéo ghế cho mẹ và hỏi mẹ về nhưng câu chuyện diễn ra trong ngày cho đến việc trả hóa đơn bữa tối bằng chính tiền kiếm được khi làm việc vặt.
Rõ ràng Nikkole rất thích được tận hưởng sự quan tâm và có nhiều thời gian hơn với con, nhưng hành động này còn có ý nghĩa nhiều hơn thế: đó là chỉ cho Lyle cách mà một người đàn ông nên cư xử với phụ nữ.
“Bằng cách làm vậy, tôi đang dạy thằng bé cách cư xử với phụ nữ và cách đối xử với cô ấy trong một cuộc hẹn” Paulun viết trên Facebook “Đây là cách thể hiện rằng thằng bé tôn trọng người phụ nữ mà mình yêu thương (bây giờ thì người đó là mẹ).
Nikkole Paulun muốn rèn luyện con thành một người đàn ông hào phóng và biết trân trọng người phụ nữ mình yêu |
Ngay khi khi ngồi xuống bàn, điện thoại và máy tính bản sẽ được cất đi để Lyle biết rằng sẽ là bất lịch sự nếu cắm đầu vào điện thoại khi đang dùng bữa tối với mẹ - hay bất kỳ ai khác.
“Dĩ nhiên thằng bé vẫn còn nhỏ nhưng tôi tin rằng đây là điều mà con nên học ngay từ bây giờ”, Paulun cho biết thêm.
“Không bao giờ là quá sớm để dạy con trai cách tôn trọng người khác, đặc biệt là phụ nữ”.
Qua những bài học này, Paulun cũng hy vọng rằng Lyle sẽ hiểu được giá trị của tiền và cách quản lý chúng. Trước khi gọi món, cô sẽ cùng ngồi làm một bài toán nhỏ với Lyle về chi phí cho bữa tối để đảm bảo thằng bé có đủ tiền chi trả và tiền tip cho người phục vụ.
Bên cạnh đó, các bà mẹ Việt cũng có thể học tập một cách dạy con tiêu tiền của một bà mẹ Mỹ là Sarah với đứa con nhỏ Lana khiến nhiều người phải nể phục.
Dưới đây là bài học 5 bước dạy con tiêu tiền:
Bước 1: Giới thiệu với con về hệ thống những chiếc lọ
Sarah đưa con 4 chiếc lọ dán nhãn 4 mục đích chị muốn dạy con |
Đầu tiên, chị chuẩn bị 4 chiếc lọ thủy tinh nhỏ và đưa cho bé. Trên mỗi lọ dán nhãn một mục đích mà chị muốn Lana, con gái chị học. 4 chiếc nhãn đó là các từ “tiêu”, “để dành”, “cho” và “đầu tư”. Bé sẽ dùng 4 chiếc lọ để đựng tiền mẹ cho.
Lọ “tiêu”: tiền có thể được tiêu tùy ý bé.
Lọ “để dành”: tiền bé tiết kiệm cho một mục đích cụ thể.
Lọ “cho”: tiền bé dùng để cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Lọ “đầu tư”: đây là tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó.
Bước 2: Đưa cho con một khoản trợ cấp
Mỗi tuần, Sarah sẽ cho con một khoản tiền nhỏ có thể chia hết cho 4 lọ. Bình thường thì chị cho bé 20 nghìn đồng. Như vậy mỗi lọ sẽ có 5 nghìn. Đây được coi như ngân sách ban đầu của bé Lana. Bằng cách này, bé có thể bắt đầu tự giữ và quản lý số tiền mình có.
Bước 3: Đưa bé đi mua sắm và mang theo với lọ “tiêu”
Khi đưa con đi mua sắm, chị cho phép bé mang theo lọ “tiêu” và để con chọn một thứ mình thích ở cửa hàng. Khi bé định mua thứ gì, hai mẹ con sẽ xem giá và đếm số tiền bé có. Đây cũng là lúc tôi gặp mẹ con Sarah lần đầu khi đang thực hành bài học trong siêu thị.
Thông thường, bé sẽ không bao giờ đủ tiền để mua những món đồ bé muốn. Khi ấy, chị giúp con quyết định xem đâu là món con thích nhất, và đặt ra một kế hoạch tiết kiệm để dành tiền mua món đó. Hôm ấy là một gói kẹo trị giá 50 nghìn đồng. Vậy là từ các tuần sau, bé sẽ để tiền mẹ cho ở lọ “để dành” nhiều hơn. Khi số tiền bé để dành vẫn chưa đủ, chị sẽ giúp bé lấy tiền ở lọ “đầu tư” để “đầu tư” vào một hoạt động gì đó giúp bé kiếm thêm tiền. Lana sau đó đã nghĩ ra việc bán nước chanh cho bố mẹ và hàng xóm để “kinh doanh”!
Bước 4: Giúp con học cách quyết định nên dùng tiền để mua hay để dành
Khi bé tìm thấy một món đồ phù hợp với số tiền mình có, mẹ bé Lana sẽ để bé thoải mái mua, nhưng không quên “cảnh báo” với bé rằng nếu không mua thì bé sẽ để dành được tiền nhanh hơn để mua hộp kẹo kia.
Bước 5: Làm mẫu cho bé
Khi đưa con đi mua sắm, Sarah luôn để bé thấy mẹ trả tiền cho người bán và nhận lại tiền thừa như thế nào. Chị cũng giải thích cho bé hiểu rằng bố mẹ phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mua quần áo, thức ăn và đồ chơi cho con. Khi bé nhìn thấy thực tế bố mẹ cầm tiền tiêu, bé sẽ tiếp thu được bài học một cách hiệu quả.
Không cần phải là những kiến thức quá cao xa, các bé sẽ dễ dàng tiếp thu được bài học của mẹ qua những bước đơn giản.
Hảo Min (tổng hợp)
Theo GĐVN