Làm gì để con không còn sợ hãi, khóc thét khi gặp người lạ?

Từ khóa

Trẻ sợ người lạ hoặc trở nên nhút nhát khi gặp người lạ là tình trạng khá phổ biến ở một số trẻ, đặc biệt tuổi lên 3. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không cải thiện vấn đề này sớm có thể khiến trẻ bị trầm cảm, stress.

Vì sao trẻ sợ hãi khi gặp người lạ?

Thực ra, đây là một trong những mốc phát triển tâm lý đầu tiên của bé. Khi được 6-7 tháng tuổi, bé đã bắt đầu có ý thức về người quen, người lạ.

Nếu như trước đây, mẹ cảm thấy bé rất dễ theo người này, người khác thì từ giai đoạn này, bé lại thường bám chặt lấy người mẹ và sợ sệt khi có người lạ xung quanh. Thậm chí với cả những người thân nhưng ít gặp, bé cũng tỏ rõ nỗi sợ hãi.

Phản ứng trước người lạ có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau: nhìn nghi ngại, mếu máo hoặc òa khóc khi có người lạ bất ngờ tiến lại gần. Bé yêu cũng có thể lo sợ việc ở gần người lạ nhiều hơn khi bé mệt mỏi, đói bụng hay bị ốm.

Làm gì để con không còn sợ hãi, khóc thét khi gặp người lạ?

TS. Dương Thị Hoa  Trưởng bộ môn Tâm lý lứa tuổi và sư phạm, khoa Tâm lý – giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu trẻ có biểu hiện sợ hãi khi gặp người lạ, bố mẹ cần áp dụng những cách dưới đây:

1. Bắt đầu một cách chậm rãi

Nếu có hoạt động gì đó cùng bạn bè, hãy cố gắng tổ chức tại nhà riêng của bạn thay vì một nơi nào khác. Phản ứng của em bé với người lạ sẽ dễ chịu hơn khi ở một địa điểm quen thuộc.

Giữ bé ở gần bất cứ khi nào bạn bước vào một môi trường mới hoặc bất cứ nơi nào có thể có người lạ.

Khi đến một địa điểm mới, bạn đừng đưa bé cho một người mà bé không hề biết. Hãy cho bé ôm bạn một lúc và để bé cảm nhận vòng tay bạn là một nơi trú ẩn an toàn.

2. Nói chuyện với con cùng người lạ

Bạn bế bé trên tay và thủ thỉ những lời âu yếm hoặc hỏi chuyện bé, cùng với người lạ đứng bên cạnh. Sau đó, họ cũng góp phần vào việc làm cho bé cười, làm cho bé cảm thấy thích thú. Một lúc sau, chắc chắn bé sẽ không khóc nữa khi người lạ đó bế bé.

con khoc khi gap nguoi la suckhoenhi.vn

Việc nói chuyện với con cùng người lạ sẽ giúp bé dần lấy lại cảm giác an toàn hơn

Trẻ thường thích sự gần gũi xung quanh chúng như khi còn ở trong bụng mẹ. Một số người lạ không biết cách bế bé hoặc không có cảm giác thân thiện thì bé sẽ khóc và tránh xa.

3. Kiên nhẫn

Khuyến cáo bạn bè, người thân và những ai bé chưa quen không chê bai, trêu đùa sự nhút nhát, hành vi khóc lóc, la hét hoặc miễn cưỡng của bé đối với họ. Hãy nói với họ rằng để tiếp cận em bé cần có từ từ, thận trọng, tươi cười, nói chuyện nhẹ nhàng và thậm chí có thể đưa cho bé một món đồ chơi.

Hãy kiên nhẫn với em bé của bạn. Đừng ép bé theo người lạ cho dù điều đó tốt cho bé. Ngoài ra, bạn không nên mắng bé nếu khóc lóc hoặc bám chặt vào bạn.

4. Phân bố thời gian chơi cùng với con

Để giảm thiểu tình trạng này, bạn có thể giúp bé bằng cách phân bố thời gian chơi cùng bé, hoặc tổ chức những buổi chơi cùng với trẻ con trong xóm, trong khu tập thể hoặc khu phố.

Lúc đầu, chúng thật khó có thể hòa nhập với nhau, có thể tranh giành nhau đồ chơi thậm chí cắn, đánh nhau song chính vì vậy mà con bạn mới có cơ hội tiếp xúc với bạn khác.

Đồng thời, mẹ nên hướng dẫn bé những quy tắc xử sự trong cuộc sống. Điều đó đòi hỏi trước tiên, bạn cần phải là một tấm gương về sự lịch sự, biết nói cảm ơn, xin lỗi đúng chỗ.

5. Lập kế hoạch trước

Nếu bạn chuẩn bị gửi bé cho cô trông trẻ mới, bạn nên nhắn cô ấy đến nhà của bạn ít nhất 20 phút trước khi bạn phải rời khỏi nhà. Điều này hi vọng sẽ giúp bé và cô trông trẻ có một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu nhau.

Nếu chồng bạn ở nhà với em bé khi bạn đi làm, bạn cần phải hiểu rằng em bé của bạn có thể cảm thấy lạ lẫm với những người bé coi là người lạ, kể cả bố vì bạn là người chăm bé nhiều hơn. Vậy nên, bạn chỉ cần khuyến khích ông xã làm theo các bước tương tự như cách tiếp cận của người lạ với em bé và kiên nhẫn.

Nếu mẹ thấy con có biểu hiện sợ người lạ, thường xuyên đánh hay cắn người, thu mình, khép kín. Sau một thời gian áp dụng những cách trên nhưng không cải thiện thì cần đưa con đi gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị tâm lý.

Hảo Min (t/h)

Theo GĐVN

Bài liên quan

Bài liên quan