Dã ngoại – một hình thức học tập sinh động

Từ khóa

Nhiều phụ huynh có thể cho rằng dã ngoại chủ yếu là chơi, nhưng thực chất dã ngoại mang lại cho trẻ vô số bài học và lợi ích mà trường học không thể làm được.

Phát triển các giác quan

Ở môi trường lớp học, trẻ tiếp nhận thông tin chủ yếu qua 2 hình thức: nghe và nhìn. Các giác quan khác ít khi hoặc gần như không được huy động. Đây là lý do vì sao trong lớp nhiều trẻ cảm thấy nhàm chán, khó tiếp thu với các biểu hiện như uể oải, buồn ngủ, liên tục ngọ nguậy, nằm bò ra bàn học…

da ngoai
Dã ngoại là một cách học của trẻ

Trong các chương trình dã ngoại, các em được tự do khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Không chỉ quan sát, các em còn được cầm nắm, sờ mó những thứ mà trong lớp học chỉ được hình dung qua mô tả của thầy cô, được hít hà mùi của đất, của cây cỏ, được nghe những thanh âm của cuộc sống, được chạy nhảy trong không gian bao la… Tóm lại, các em cảm nhận cuộc sống bằng toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, các giác quan ngày một nhạy bén.

Mở rộng thế giới quan

Trường học dù sao cũng chỉ là một thế giới khép kín. Nếu chỉ học, học và học, hiểu biết của trẻ sẽ chỉ giới hạn trong sách vở hoặc không gian chật hẹp của 4 bức tường. Trong khi đó, đi đây đó, trải nghiệm những hoạt động ngoài trời ở nhiều vùng đất khác nhau sẽ giúp trẻ có thêm hiểu biết về con người, cuộc sống, qua đó giúp trẻ hình thành và phát triển nhận thức xã hội.

Các chất liệu cuộc sống phong phú đó sẽ tác động ngược trở lại giúp cho các em học tập tốt hơn đặc biệt với môn văn. Chắc chắn sẽ không còn những bài văn sáo rỗng, khuôn mẫu thay vào đó là những bài văn với tiếng nói riêng, góc nhìn riêng đầy màu sắc.

Có cơ hội khám phá bản thân

Do mỗi trẻ tiếp nhận thông tin theo một cách khác nhau nên có nhiều học sinh không có điều kiện thể hiện được năng lực và sở trường của bản thân trong các hoạt động học tập trên lớp. Dã ngoại, ngược lại tạo điều kiện để trẻ được thể hiện bản thân một cách tối đa. Chính vì vậy, các em dễ dàng bộc lộ những sở thích, năng lực đặc biệt, tính cách nổi trội của mình như: khả năng giao tiếp, lãnh đạo, tính sáng tạo, khả năng lắng nghe, quan sát, năng khiếu nghệ thuật, tính hợp tác, chia sẻ, đồng cảm…

da ngoai cho tre
Một chuyến dã ngoại của Tâm Việt Nha Trang

Phát triển kỹ năng ứng phó tình huống

Trong các chương trình dã ngoại, thường nảy sinh rất nhiều yếu tố, tình huống bất ngờ đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, tìm cách giải quyết. Đây chính là cơ hội để các em phải tư duy để tìm ra giải pháp tối ưu. Nhờ vậy, thường xuyên đi dã ngoại trẻ sẽ được rèn luyện tính chủ động, linh hoạt, khả năng ứng biến nhanh nhạy trước mọi tình huống.

Bài học về các giá trị sống

Đi dã ngoại, các em phải sinh hoạt trong một tập thể với nhiều bạn bè thuộc nhiều lứa tuổi, tính cách khác nhau. Đây chính là cơ hội để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, tương tác với bạn bè đồng qua đó học cách sống chia sẻ, đồng cảm, vị tha, hợp tác và chung sống. Hơn hết, cùng nhau làm việc, trẻ sẽ cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc về tầm quan trọng và sức mạnh của tinh thần đồng đội.

Rất nhiều học sinh tiểu học hiện nay rơi vào tình trạng "bí" trước những đề văn như: "Em hãy tả con trâu, con gà, con bò..." hoặc " Em hãy tả về một kỷ niệm đáng nhớ trong mùa hè..." Tại sao? Vì các em chỉ học lý thuyết mà thiếu trải nghiệm thực tế, các em chỉ được nghe tả, nghe kể, chỉ được đọc văn mẫu chứ không được mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi... Tóm lại, các em không được học bằng tất cả các giác quan.

Trần Vân Anh

Giám đốc Cty TNHH Tâm Việt Nha Trang

Theo GĐVN

Bài liên quan

Bài liên quan