Bám mẹ trở nên thái quá sẽ khiến bé thiếu tự tin, khả năng hòa nhập yếu nên cũng không tốt cho bé. Sự dựa dẫm quá lớn vào mẹ sẽ cản trở sự tự tin của bé.
Hiện tượng bám mẹ ở trẻ nhỏ
Bám mẹ là hiện tượng bình thường của các bé trong quá trình phát triển tâm lý của mình. Khi không nhìn thấy mẹ trong tầm nhìn của mình, trẻ sẽ la hét, gào lên và bắt đầu đi kiếm mẹ.
Trẻ từ 8- 10 tháng tuổi bắt đầu học được những điều mới mẻ, biết phân biệt người thân người lạ và bắt đầu hiểu về sự chia cách. Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu phát triển một mối liên hệ với người dành nhiều thời gian nhất ở bên cạnh bé.
Bé chỉ cảm thấy an toàn trong vòng tay chăm sóc của người đó. Bé còn quá nhỏ để hiểu khái niệm về thời gian, và cũng không biết rằng người bé tin tưởng sẽ trở về trong chốc lát. Trong nhận thức của chúng là những cái đã đi là biến mất. Vì thế bé sẽ rất đau khổ, và phản ứng bằng cách khóc lóc, gào thét, dính chặt lấy người nó tạo cho nó cảm giác an toàn.
Lớn hơn một chút, bé sẽ tự biết điều chỉnh, nhất là khi bé có thời gian và điều kiện để khám phá những điều mới mẻ xung quanh mình, thì lúc đó lựa chọn của bé không bắt buộc phải duy nhất là mẹ nữa.
Vậy cha mẹ phải làm gì khi thấy con dính chặt không chịu rời?
- Tạo cho trẻ cơ hội được tiếp xúc với nhiều người
Nếu mẹ là người chăm sóc chính cho bé thì bố cũng nên dành thời gian nhất định chơi cùng con. Sau khi bố mẹ đi làm có thể đưa trẻ sang ông bà. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy tự tin và nhận ra rằng còn có rất nhiều người khác cũng quan tâm và chăm sóc bé chứ không chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là ba hay mẹ.
Sau một thời gian, bé sẽ làm quen với người “thay thế”, chấp nhận sự chăm sóc của người “thay thế” này và sẽ không còn quá chú ý hay nhớ đến người chăm sóc chính nữa.
- Hãy nói cụ thể thời gian và giữ lời hứa đúng giờ trở về
Trước khi rời khỏi nhà, mẹ nên nói trước với trẻ. Đừng không nói một tiếng nào mà biến mất. Không nên đột ngột rời khỏi bé trong một khoảng thời gian quá dài, nếu không sẽ khiến trẻ lo lắng, sợ hãi vì nghĩ mẹ bỏ đi. Hãy ôm chúng và tạm biệt: “Mẹ đi làm chiều mẹ sẽ về. Con ở nhà ngoan nhé”.
- Tập những thói quen khi mẹ chuẩn bị rời xa bé
Cùng trẻ thực hiện những hành động tích cực như hôn tạm biệt, mỉm cười hoặc vẫy tay với bé và dạy chúng đáp lại như vậy. Việc lặp lại những thói quen này giúp trẻ cảm thấy yên tâm vì biết rằng khi thực hiện những hành động đó tức là mẹ sẽ ra ngoài và sẽ nhanh chóng quay lại với mình.
- Để bé tự do
Thứ nhất, trong cuộc sống, mẹ nên để bé học cách tự lập. Chỉ khi bé có thể tự mình giải quyết vấn đề của bản thân, bé mới không dựa dẫm vào mẹ, nếu không bé sẽ cho rằng mẹ là nhân vật “vạn năng”, còn mình cái gì cũng không biết làm nên tất nhiên sẽ phụ thuộc vào mẹ. Hãy để bé tự lập, tự giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Khi bé được 5 tuổi, cha mẹ hãy cho bé ngủ riêng, cho dù có ngủ chung phòng với cha mẹ, cũng hãy để bé nằm riêng một giường.
Thứ hai, tự do về tâm lí. Mẹ càng khống chế bé thì thế giới của bé càng nhỏ hẹp, cuối cùng chỉ có thể quẩn quanh bên mẹ mọi lúc mọi nơi. Mẹ hãy để bé tự làm những việc mà bé thích, bồi dưỡng sở thích của bé, để cho bé tự quyết định, tự giải quyết khó khăn.
- Kể chuyện cho bé nghe
Cha mẹ có thể kể cho bé những câu chuyện liên quan đến vấn đề đó và giúp trẻ hiểu rằng việc mẹ ra ngoài chỉ là tạm thời. Không phải mẹ không còn yêu chúng nữa hay không phải sẽ đi là biến mất. Lâu dần trẻ có thể vận dụng vào bản thân.
- Không nên giúp những việc bé có khả năng
Nếu bé muốn bạn bóc hộ chiếc kẹo, bật hộ tivi, bạn nên đề nghị bé tự làm sau khi đã hướng dẫn cho bé… Những lúc nhờ được người thân trông bé, bạn nên tranh thủ ra ngoài và hứa với bé, bạn sẽ quay về nhà ngay.
- Gọi điện thoại và nói chuyện thường xuyên
Những trường hợp cha mẹ đi làm xa, 2-3 ngày, thậm chí là 1 tuần mới có thể về nhà một lần. Trong tình huống này việc gọi điện và trao đổi hình ảnh là rất cần thiết.
- Nâng cao tính cộng đồng ở trẻ
Các mẹ nên thường xuyên dẫn bé đến các nơi công cộng như công viên, siêu thị… để bé tập trung vào việc khám phá những điều mới mẻ thay vì bám chặt mẹ. Việc để trẻ tự do chơi với những em bé khác sẽ giúp chúng thêm mạnh dạn, hòa đồng. Một mặt sẽ khiến trẻ nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ mỗi khi mẹ đi vắng, mặt khác giúp bé phát triển khả năng giao tiếp.
- Vai trò của người cha
Thông thường, bố rất ít khi tham dự vào cuộc sống gia đình, đây cũng là nguyên nhân khiến cho bé không thân với bố bằng mẹ. Bố nên tìm cách để thân thiết với bé, thực ra, mỗi ông bố đều có ưu thế chiếm được cảm tình của bé, chỉ có điều bố có muốn thể hiện điều đó, có chịu bỏ công sức hay không thôi.
Bố có thể cùng bé chơi những trò chơi thú vị đòi hỏi phải hoạt động nhiều, những trò chơi vừa hay vừa mang tính trí tuệ như đánh cờ, bắt dế..đây đều là những trò chơi mà bố rất có ưu thế và cũng rất thu hút trẻ nhỏ. Hom nữa, những trò chơi đòi hỏi hoạt động nhiều lại càng là lợi thế của các ông bố, còn bé cũng có rất nhiều năng lượng để dành cho những trò chơi như thế.
Khi bố đã giải phóng và thế chỗ của mẹ bên cạnh bé thì không những cuộc sống gia đình trở nên dễ dàng hơn mà cũng có lợi cho sự phát triển tâm sinh lí của trẻ.
Thùy Linh (t/h)
Theo GĐVN