Bữa ăn phụ của trẻ có cần thiết không?

Từ khóa

Để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần lưu ý trẻ cần có 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ trong một ngày.

Bữa phụ là một cách gọi để phân biệt với 3 bữa ăn chính giàu chất đạm, bột, béo. Trong bữa ăn phụ, trẻ ăn ít hơn, chỉ cần cung cấp năng lượng và dinh dưỡng vừa phải để trẻ phát triển cân bằng và khỏe mạnh. Vì vậy, thức ăn mẹ chọn cần đảm bảo vừa dễ tiêu hoá, vừa bổ sung nhiều vi chất, các loại vitamin, chất xơ, canxi… cần thiết cho sự phát triển của bé. Hay nói cách khác, trẻ em cần được ăn 5-6 bữa mỗi ngày và bữa ăn nào cũng quan trọng cả.

Tại sao trẻ em cần ăn nhiều bữa trong ngày?

Cần nhớ rằng, trẻ em càng nhỏ thì thể tích dạ dày (bao tử) càng nhỏ, tức là dạ dày của trẻ em cũng lớn theo tuổi. Cùng một lúc ta không thể đưa vào trẻ một lượng lớn thức ăn nhiều hơn thể tích dạ dày trẻ mà phải chia ra thành nhiều bữa nhỏ.

Trẻ nhỏ không chỉ cần ăn để sống mà còn phải đáp ứng nhu cầu để tiếp tục tăng trưởng, phát triển thêm về chiều cao, cân nặng, bộ não… nên chúng ta phải liên tục làm căng, nới rộng bao tử cho trẻ bằng những bữa ăn no (tức là thấy bụng bé phình to ra sau khi ăn).

Bạn có thể tăng lượng thức ăn dần dần mỗi 2-4 tuần sao cho vừa sức với trẻ, không nên ép nhiều quá bé sẽ bị nôn ói ngay sau ăn. Có một ngoại lệ ở trẻ em: Do sữa có thể được vón cục nhanh chóng trong dạ dày nên trẻ có thể bú vào một lúc lượng sữa lớn hơn thể tích dạ dày của bé.

Hơn nữa, thức ăn của trẻ chủ yếu là sữa và các thức ăn lỏng, loãng ít năng lượng, mau tiêu, mau đói… nên chúng ta phải cung cấp thức ăn thành nhiều bữa trong ngày, kể cả ban đêm. Tuy nhiên cũng không nên quá cực đoan, bạn không nhất thiết cứ phải bắt buộc trẻ thức dậy đúng giờ vào ban đêm để ăn nếu tổng lượng thức ăn ban ngày và bữa tối trước khi ngủ đã đủ cho nhu cầu của trẻ.

Thường trẻ đói sẽ tự thức dậy và đòi ăn, thức ăn đêm thường là sữa ở trẻ nhỏ để trẻ có thể nhanh chóng ngủ trở lại vì giấc ngủ của trẻ rất quan trọng để trẻ có thể lớn.

Nên phân chia thời gian và thức ăn ra sao?

Bữa ăn đầu tiên trong ngày nên bắt đầu sau khi thức dậy khoảng 30 phút, có thể là một bữa ăn đặc (cơm, cháo, bún…) hay ly sữa cũng được. Khoảng 2-3 giờ sau là bữa kế tiếp và nên đổi món. Ví dụ, sáng ăn cháo thì “ăn giữa giờ” buổi sáng là sữa, rồi trưa ăn cơm, ngủ trưa dậy cho uống sữa, bữa tối ăn cơm và trước khi ngủ phải uống sữa trở lại… Thường thì một bữa ăn đặc lâu tiêu hơn, khoảng 2,5 - 3 giờ mới tiêu bớt, với sữa thì nhanh hơn, khoảng 2 - 2,5 giờ tùy từng trẻ.

Tuy nhiên, trong dạ dày thường không bao giờ hết nhẵn thức ăn (trừ khi ăn bữa tối xong ngủ 6-8 giờ sau mới dậy ăn thì lúc đó dạ dày rỗng thật) nên đôi khi đến bữa ăn sau trẻ vẫn bị nôn ra một ít thức ăn cũ của bữa trước đó, nhưng không nên để khoảng cách bữa lâu quá 4 giờ sẽ không có đủ bữa ăn cần thiết.

Bữa ăn phụ của trẻ có cần thiết không 1

Và nên từ bỏ ý nghĩ bữa phụ của trẻ chỉ là ly nước cam, cái bánh quy, cái kẹo hay vài múi quýt là được vì sẽ không cung cấp đủ lượng và chất cần thiết cho trẻ. Những món dùng để “ăn vặt” này nên cho ăn ngay sau bữa ăn đặc, không nên ăn rải rác suốt ngày sẽ làm bé bị no ngang đưa đến chuyện không ăn đủ số lượng cần thiết trong bữa chính.

Khi thấy trẻ em tăng cân nặng và chiều cao đều đều theo đúng yêu cầu trong biểu đồ tăng trưởng chứng tỏ lượng thức ăn đưa vào từng ngày là đủ.

Đối với trẻ em, tổng lượng thức ăn trong ngày mới là quan trọng, vì nếu bữa nay gặp món ăn không hợp khẩu vị, lắm trẻ có thể ăn ít hơn một chút, nhưng bạn vẫn có thể cho trẻ uống bù thêm một ít sữa ngay sau khi ăn hoặc bữa sau thì cho ăn gần lại một tí… cũng được.

Nên cho trẻ ăn gì vào bữa phụ?

Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho các bé:

- Trái cây, nước trái cây tươi: Một trái chuối, một quả táo hay một ly nước cam... là bữa phụ tuyệt vời cho trẻ. Bất kỳ loại trái cây nào cũng tốt cho cơ thể trẻ em vì chúng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Trái cây cũng chứa nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em, giúp trẻ hấp thụ tốt các dưỡng chất ở bữa chính.

- Các loại hạt: Những loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, lạc, hạt điều… đều chứa các loại chất béo lành mạnh cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

- Trứng: Một quả trứng gà vào bữa phụ sẽ cung cấp cho trẻ vitamin D, protein, choline, canxi… giúp bé phát triển về thể chất và trí não.

- Sữa chua: thực phẩm này có chứa nhiều canxi, vitamin, giúp trẻ phát triển hệ xương chắc khoẻ. Ngoài ra, sữa chua có bổ sung nhiều vi khuẩn có lợi và  chất xơ sẽ giúp bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh để trẻ ăn uống ngon hơn trong bữa chính. Hương vị chua chua ngọt ngọt ngon miệng của sữa chua sẽ giúp các bé cảm thấy tự giác, thích thú hơn với bữa ăn.

Bên cạnh đó, trẻ ăn sữa chua sẽ cảm thấy ngon miệng hơn vào bữa chính, ăn uống chừng mực và tiêu hoá tốt. Với sữa chua, bạn cũng có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như trái cây trộn sữa chua hay ăn cùng bánh mì… để thu hút bé hơn.

Thùy Linh (t/h)

Theo GĐVN

Bài liên quan

Bài liên quan