Ngay từ những ngày đầu tiên khi những chiếc máy tính ra đời từ
cách đây hơn 50 năm, một loại tội phạm mới cũng theo đó mà xuất hiện:
tội phạm máy tính, hay còn gọi là hacker. Khái niệm hacker đã có nhiều
thay đổi theo thời gian. Những ngày đầu, nó dùng để chỉ những người tuy
còn nhỏ tuổi nhưng có trình độ tin học cao có thể khai thác các lỗ hổng
từ phần mềm, phần cứng để "nghịch" và sau đó thì tự đưa mình vào các rắc
rối pháp lý. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, hầu như chỉ còn Facebook hay
các công ty công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon hiểu từ hacker theo
khái niệm này.
Bởi theo thời gian, khái niệm
hacker đã được hiểu sang là những tên tội phạm máy tính tinh vi. Một tên
tội phạm xâm nhập vào các hệ thống máy tính cũng được gọi là hacker.
Theo các chuyên gia, những tên hacker nổi tiếng hàng đầu thế giới có thể
kiếm tới 100 triệu USD mỗi năm từ việc thâm nhập vào hệ thống máy tính
để ăn cắp thông tin.
Và
cũng theo thời gian, một vài năm gần đây, một xu hướng hacker mới xuất
hiện với tên gọi chủ nghĩa hacker (hacktivism) - ám chỉ những tên tội
phạm máy tính thâm nhập vào các hệ thống để đánh cắp hoặc làm thay đổi
thông tin của các tổ chức để phục vụ cho các mưu đồ chính trị. Có thể
một phần trong số đó là để phục vụ cho các mục đích cao cả, vì cộng
đồng, thì cũng có những trường hợp, chúng thường gây ra hậu quả nghiêm
trọng làm ảnh hưởng tới cả một cộng đồng. Những kẻ này thường là các tổ
chức tội phạm có tổ chức và thường bị săn lùng ráo riết. Bài viết dưới
đây sẽ "điểm mặt" 10 tên hacker nổi tiếng nhất từng làm khổ sở các tổ
chức chính trị vì mưu đồ của chúng.
Kevin Mitnick
Kevin
Mitnick - kẻ ở hình dưới - bản thân là một "hacker thiếu niên" đúng
nghĩa như đầu bài đã nói. Tuy nhiên, có vẻ như không được ai "giáo dục"
theo thời gian, Kevin Mitnick vẫn tiếp tục công việc thâm nhập vào nhiều
hệ thống máy tính của các cơ quan, tổ chức khác nhau. Và trước khi bị
tóm cổ vào năm 1995, Kevin Mitnick được xem là tên tội phạm máy tính
"cần được bắt giữ ngay" ở nước Mỹ - theo như tờ New York Times gọi.
Kevin Mitnick đã thâm nhập được vào hệ thống của các công ty hàng đầu
thế giới như IBM, Motorola, NEC, Nokia, FBI...để ăn cắp phần mềm và dữ
liệu. Hacker này cũng từng thâm nhập và nắm quyền điều khiển 3 văn phòng
trung tâm của các công ty viễn thông ở Manhattan, Mỹ. Các trung tâm
dùng để chuyển hướng các cuộc gọi ở California cũng bị Mitnick hạ gục.
Kết quả là Mitnick có thể nghe lén được tất cả các cuộc gọi cũng như
chơi khăm 1 người mà anh ta không thích bằng cách lập trình lại số điện
thoại của họ. Sau đó, mỗi lần khổ chủ nhấc điện thoại lên, họ lại bị một
giọng ghi âm sẵn yêu cầu gửi một khoản tiền 25 cent cho 1 kẻ lạ hoắc
nào đó.
Sau khi bị bắt, Mitnick bị kết an 5 năm
tù giam. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của một người trong làng công nghệ,
Mitnick sau đó đã "hối cải" để trở thành 1 hacker lương thiện. Hiện tại,
Mitnick được nhiều công ty thuê về để giúp họ thiết lập các hệ thống
bảo mật. Anh ta còn tranh thủ thời gian rảnh để viết sách.
Adrian Lamo
Adrian
Lamo được biết đến là một hacker nguy hiểm sau sau khi anh bị cảnh sát
bắt giữ vào năm 2003 vì hàng loạt cuộc tấn công vào hệ thống của những
tổ chức như New York Times, Yahoo, Microsoft...Với biệt danh "homeless
hacker" (hacker vô gia cư), Lamo thường sử dụng internet tại các quán
cafe, thư viện để tiến hành các vụ hack của mình. Một trong số các vụ
hack đó là vào hồi tháng 9/2001, Lamo đã tấn công vào dịch vụ thông tin
trực tuyến của Yahoo, sau đó "xào" lại một số bài báo đăng tải trên
Reuters với mục đích...nhắc nhở Yahoo về độ bảo mật yếu kém của họ. Năm
2002, nạn nhân của anh ta là trang New York Times danh tiếng. Sau khi
thâm nhập được vào mạng nội bộ của tờ báo này, anh ta đã thêm tên mình
vào trong danh sách các chuyên gia uy tín cung cấp nguồn tin cho tờ báo
cùng nhiều hoạt động phá hoại khác.
Nếu những
hacker khác thường có bản lý lịch với những hiểu biết sâu sắc về ngôn
ngữ máy tính như C++, Java..., Adrian Lamo lại là kẻ...không hề trải qua
các đào tạo cơ bản về tin học. Do đó, Lamo không có khả năng khai thác
các lỗ hổng trong mã cơ bản của hệ thống. Công cụ chính của anh ta
là...trình duyệt duyệt Internet Explorer. Sau khi truy cập vào website
của các công ty, tổ chức, Lamo kiên nhẫn tìm ra các lỗ hổng từ các đường
link liên kết ở trang ngoài với website của tổ chức đó vốn không được
họ chú trọng việc bảo mật. Năm 2004, Lamo bị kết án 2 năm tù treo, 6
tháng quản thúc tại nhà và phải bồi thường số tiền 65.000 USD vì các vụ
đột nhập đã nói.
Gary McKinnon
Hacker
người Anh này bị buộc tội gây ra thiệt hại với số tiền hơn 700.000 USD
cho hệ thống quân sự Mỹ. Người Mỹ thậm chí gọi các phá hoại của McKinnon
là "vụ tấn công vào hệ thống máy tính quân sự lớn nhất trong lịch sử".
"Thành tích" của McKinnon là đã thâm nhập vào hệ thống 70 máy tính của
các tổ chức quân sự Mỹ trong thời gian 13 tháng từ giữa tháng 2/2001đến
tháng 3/2002 từ nhà của một người quen ở London. Các tổ chức Mỹ cáo buộc
anh ta đã xóa các tài liệu nhạy cảm, đóng cửa mạng máy tính với 2000
máy của mạng quân sự Mỹ ở Washington trong 1 ngày. Họ cũng cáo buộc anh
này đã để lại lời thách thức trên website rằng "hệ thống bảo mật của các
người thật vô dụng"...cùng nhiều lời buộc tội khác.
McKinnon bị
cảnh sát Anh bắt giữ vào năm 2002. Sau 7 năm chống lại lệnh dẫn độ, mới
đây, Phía Mỹ tiếp tục yêu cầu cảnh sát Anh đưa hacker này sang Mỹ để
nhận các hình phạt, tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Bộ trưởng Nội vụ Anh đã
từ chối. Phía Anh cho rằng McKinnon đang gặp vấn đề về sức khỏe và việc
dẫn độ có thể khiến McKinnon tìm cách tự tử. Nếu bị tòa án Mỹ buộc tội,
hacker này có thể sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 60 năm.
Jonathan James
Jonathan James còn được biết tới với biệt danh c0mrade. Khi
bị bắt giữ sau hàng loạt vụ hack vào công ty điện thoại BellSouth và
nhiều hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ, anh ta mới chỉ 16 tuổi. Hacker
tuổi teen này bị buộc tội đã cài backdoor và ăn ắp tới hơn 3000 tin
nhắn từ các nhân viên của Cơ quan phòng chống đe dọa quốc phòng Mỹ
(Defense Threat Reduction Agency).
Năm 1999,
James được cho chính là thủ phạm đột nhập vào máy tính của Cục Quản trị
Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ (NASA) và ăn cắp mã nguồn điều
khiển hệ thống hỗ trợ con người của Trạm Vũ trụ quốc tế (International
Space Station). NASA sau đó phải đóng cửa hệ thống trong nhiều tuần. Chi
phí để phục hồi các tổn hại được ước tính là 40.000 USD.
Jonathan
James là trẻ chưa thành niên đầu tiên bị buộc tội vì các hoạt động tội
phạm mạng. Cậu bị giam lỏng 6 tháng ngay tại nhà mình, phải chịu thử
thách cho tới năm 18 tuổi. Nhiều năm sau đó, James còn bị cáo buộc liên
quan tới các vụ tấn công ăn cắp thẻ tín dụng của hãng bán lẻ TJX. Tuy
nhiên, khi mà các cơ quan đang điều tra sự vụ thì James đã tự kết liễu
đời mình vào ngày 18/5/2008 khi mới 25 tuổi. Trong thư tuyệt mệnh, anh
ta tuyên bố mình vô tội và "mất niềm tin vào hệ thống cầm quyền".
Raynaldo Rivera
Raynaldo
Rivera bị nghi ngờ là thành viên của nhóm tội phạm mạng LulzSec - nhóm
hacker từng gây ra hàng loạt vụ tấn công chấn động vào nhiều công ty lớn
trên thế giới trong năm 2011 như Sony hay tờ báo The Sun của ông trùm
truyền thông Murdoch. Rivera bị bắt vào hồi tháng 8 vừa qua, và theo
Reuters, anh ta bị buộc tội tấn công vào mạng máy chủ của Sony để đánh
cắp tài khoản của hàng nghìn thành viên trong mạng trò chơi của hãng
này. Theo các con số ước tính, công ty Nhật Bản phải chịu khoản thiệt
hại tới 600.000 USD. Tuy nhiên, bên cạnh những con số thiệt hại có thể
tính ra bằng tiền đó là những thiệt hại khó đong đếm khi mà thông tin cá
nhân nhạy cảm của hàng nghìn người đã bị hacker đánh cắp và công khai.
Tham khảo: Businessinsider, Wikipedia