Nguy hiểm không kém, thậm chí là có phần hơn 5 tên hacker ở phần 1,
nhiều hacker dưới đây đã tham gia vào các mạng lưới khủng bố mạng
Anonymous và LulzSec từng khiến cả thế giới lao đao hồi năm ngoái. Các
hành động phá hoại của chúng, hoặc là bị phạt tiền lên tới con số hàng
chục triệu USD, hoặc là bị đối mặt với án tù cả trăm năm.
Robert Soloway
Robert Soloway được xem là một trong những tay spammer lớn nhất thế
giới khi bị bắt giữ vào năm 2007. Năm 2008, anh ta bị tuyên bố có tội
trốn thuế, dùng email để lừa đảo - một dạng tội danh được đưa vào hệ
thống luật pháp Mỹ từ năm 1872. Soloway bị kết án 4 năm tù giam.
Trước đó, Soloway còn bị Microsoft kiện và bắt phải bồi thường cho
hãng này số tiền thiệt hại 7 triệu USD. Anh ta còn bị xử thua trong 1 vụ
kiện khác và bị bắt phải bồi thường số tiền lên tới 10 triệu USD. Mặc
dù liên tục bị kết án nhưng Soloway chưa bao giờ có ý hối cải. Hắn liên
tục thay đổi địa chỉ IP nhằm tiếp tục công việc spam của mình.
Barrett Brown
Barrett Brown từng tự tuyên bố rằng anh ta là một đại diện của nhóm
khủng bố khét tiếng Anonymous - những kẻ ẩn danh từng làm khốn khổ
nhiều tổ chức an ninh ở nhiều nước trên thế giới vào hồi năm ngoái. Vào
đầu tháng 10 vừa qua, Brown phải chịu 3 bản án buộc tội của tòa liên
bang Mỹ vì các hành động đe dọa 1 nhân viên FBI là Robert Smith trên
mạng Twitter và Youtube.
Tháng trước, Brown bị bắt giữ khi đang chat trực tuyến với 1 nhóm
người bí mật. 1 đoạn video Brown la hét thất thanh khi đang bị còng tay
(do camera chat ghi lại) sau đó được tung lên mạng, và gần như ngay sau
đó, nhóm hacker tự xưng là Anonymous đã có hành động trả đũa giúp Brown.
Chúng đã công khai số thẻ tín dụng của các nhân viên trong chính phủ
Mỹ. (bạn có thể nghe thấy tiếng la hét của anh ta ở phút thứ 1 và giây
thứ 30 của video bên dưới).
Mặc dù mất đi 1 thành viên nhưng rõ ràng nhóm hacker Anonymous vẫn
đang tồn tại. Chúng vẫn tiếp tục các hành động phá hoại. Mới đây nhất,
Anonymous cho biết chúng đã đánh sập 1 số website của các tổ chức chính
phủ ở Hy Hạp. Chúng còn đe dọa tấn công vào Zynga và Facebook trong
tháng 11 này.
Hector Xavier Monsegur
Hector Xavier Monsegur được xem là một trong những kẻ sáng lập ra
nhóm hacker LulzSec - là tên viết tắt của từ Lulz Security. Tên giả trên
mạng của Monsegur là Sabu. Cùng với Anonymous, LulzSec bị cáo buộc gây
ra hàng loạt cuộc tấn công lớn vào các mạng máy tính, bao gồm vụ tấn
công ăn cắp tài khoản từ Sony Pictures năm 2011 và tấn công vào website
của CIA - cơ quan tình báo trung ương Mỹ. LulzSec còn công khai mật khẩu
các tài khoản ở các trang web mà chúng ăn cắp được.
Monsegur bị bắt vào tháng 3/2012 và sau đó trở thành kẻ chỉ điểm
cho FBI để bắt giữ các thành viên khác của các nhóm khủng bố như
Anonymous, Lulzsec và Antisec. Anh ta bị buộc phạm 12 tội danh và đối
mặt với án phạt tù lên tới 124 năm.
Rõ ràng, việc làm của Monsegur hay nhóm hacker LulzSec là hoàn toàn
sai trái, nhưng chúng vẫn cho rằng mình đang nhân danh công lý để bao
biện cho việc làm của mình.
David Smith
Đây chính là kẻ đã viết ra “con sâu” máy tính khét tiếng mang tên
Melissa, loại virus đầu tiên trên thế giới có khả năng tự phát tán qua
hệ thống thư điện tử. Dưới tác động của Melissa, hàng trăm nghìn máy
tính trên toàn thế giới đã bị đánh gục và vô tình tạo ra một “chuẩn mực”
mới cho những malware độc hại do con người phát tán.
Melissa khai thác một lỗ hổng bên trong ứng dụng thư điện tử
Microsoft Outlook. Một khi máy tính đã bị malware này xâm nhập, nó sẽ vô
hiệu hóa khả năng của Outlook và tự động gửi mã độc đến những máy tính
khác.
Sau khi bị bắt, David Smith đã thừa nhận tội lỗi của mình, một
malware gây ra tổng thiệt hại lên đến 80 triệu USD trên toàn thế giới.
Smith sau đó phải thụ án tù 20 tháng.
Albert Gonzalez
Albert Gonzalez là hacker dính líu đến vụ việc ăn trộm và bán thông
tin của hơn 170 triệu thẻ tín dụng trên thế giới trong khoảng thời gian
từ 2005 đến 2007. Trang tin Computerworld đã nhận xét rằng đây là vụ tấn công nghiêm trong nhất đánh vào mạng thẻ tín dụng gây ra bởi hacker từ trước đến thời điểm đó.
Vào năm 2010, Albert Gonzalez đã bị kết án 20 năm tù giam. Bên cạnh
đó, gã hacker này cũng bị buộc tội dẫn dắt một nhóm hacker khác thực
hiện hành vi tương tự: thâm nhập và ăn cắp 1,5 triệu mã số tài khoản thẻ
tín dụng, ăn cắp 4,3 triệu USD của những người hắn không hề quen biết.
Để giảm nhẹ tội, hắn đã chấp nhận hợp tác với nhà chức trách để họ có
thể tìm ra những tên hacker khác cùng trong nhóm.
Thế nhưng “ngựa quen đường cũ”, trong khi đang hợp tác với nhà chức trách, trang tin Wired đưa
tin rằng hacker cực kỳ nguy hiểm này vẫn tham gia một cuộc tấn công để
đánh cắp thông tin tài khoản khách hàng từ các tập đoàn bán lẻ như TJX.
Vụ việc dĩ nhiên được cảnh sát điều tra, và cuộc điều tra này đã gián
tiếp dẫn đến việc Jonathan James tự sát.
Tham khảo: Businessinsider