Lợi điểm lớn nhất của TNT so với các loại thuốc nổ cùng thời lúc đó là nó rất … khó nổ. Bạn có thể ném TNT xuống đất, có thể cho TNT va chạm mạnh và thậm chí là đun nó nóng chảy (ở 80oC) thì nó vẫn không nổ. TNT cũng không hòa tan trong nước và có thể được sử dụng ở dưới nước. So với các loại thuốc nổ khác như nitroglycerin, chỉ cần va chạm nhẹ là nổ thì TNT quả thật rất lỳ đòn. Đây cũng là lý do mà đầu tiên nhà hóa học người Đức Julius Wilbrand chế tạo ra nó vào năm 1863, thuốc nổ TNT được sử dụng để làm thuốc nhuộm màu vàng. Cái tên TNT được xuất phát từ chữ viết tắt công thức hóa học của nó : TriNitroToluene - C6H2(NO2)3CH3. 1kg TNT phát nổ tạo ra 4.7 megajoules, trong khi đó 1kg thuốc súng tạo ra được 3 megajoules, thuốc nổ (sử dụng nytroglycerin) tạo ra được 7.5 megajoules/kg, xăng tạo ra được 47.2 megajoules/kg (nhưng xăng phải hòa với Oxy mới có thể cháy được và hỗn hợp xăng + Oxy tạo ra 10.4 megajoules/kg).
Phải đến năm 1902 quân đội Đức bắt đầu nung chảy TNT và đổ vào vỏ đạn/bom thì TNT mới được sử dụng rộng rãi như thuốc nổ. Đạn sử dụng TNT do khi xuyên vào bên trong mục tiêu mới nổ nên có khả năng công phá mạnh hơn hẳn so với các loại thuốc nổ thông thường nổ ngay khi va chạm. Năm 1907 quân đội Anh cũng bắt đầu học tập Đức sử dụng TNT. Trong thế chiến thứ I, những người công nhân khi làm việc với TNT thường gọi nó là “canary girls” hay “canaries” (chim hoàng yến) vì khi tiếp xúc trực tiếp với TNT, tay chân của họ thường bị nhuộm vàng. TNT trên thực tế là hóa chất có hại cho con người (trong điều kiện bình thường, chưa nổ). TNT đặc biệt gây hại cho máu, gan, thận và hệ bài tiết của con người.