Khi Cách mạng Công nghiệp (Industrial Revolution) diễn ra tại châu Âu vào thế kỷ XVIII, công nhân trong các nhà máy phải làm việc rất vất vả (10-18 tiếng/ngày). Họ thậm chí không có cả thời gian trông con và chăm sóc cho con cái nên những đứa trẻ thời đó cũng sớm bước chân vào nhà máy lao động cùng cha mẹ ngay khi đủ sức khỏe. Đây thực sự là cơn ác mộng cho những người lao động và mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi ở thế kỷ XIX.
Robert Owen, một người Anh là người đầu tiên nghĩ rằng cần phải phân bố lại thời gian lao động, chia một ngày ra làm 3 ca (8 tiếng/ca) để người lao động có thể tối ưu hóa khả năng lao động, tái tạo sức lao động của mình. Năm 1817, ông này đã thực hiện chiến dịch vận động thay đổi thời gian làm việc với khẩu hiệu “Eight hours labour, eight hours recreation, eight hours rest.” Tuy vậy chỉ một mình Robert Owen vận động thì chưa đủ và cho tới năm 1847, các đạo luật về lao động vẫn quy định rằng phụ nữ/trẻ em cần làm việc 10 tiếng/ngày với 6 ngày/tuần.
Chiến dịch tiếp theo vẫn được thực hiện tại Anh, trung tâm công nghiệp hóa của châu Âu với Tom Mann vào năm 1884 và thành công hơn chiến dịch của Robert Owen. Tom Mann đã thuyết phục được chính phủ đưa ra đạo luật về giờ làm của người lao động trong đó chỉ được làm tối đa là 8 tiếng/ngày.
Phòng trào đình công ở Mỹ để đòi hỏi thời gian làm việc thích hợp hơn cũng đã âm ỉ từ năm 1791 nhưng cũng chỉ thực sự thành công khi Tom Mann đòi hỏi được quyền lợi chính đáng này cho người lao động tại Anh. Ngày 1/5/1886 là mốc đánh dấu quan trọng của nước Mỹ khi những người lao động đồng lòng đòi hỏi mình cần phải được đối xử tốt và được làm việc 8 tiếng/ngày. Ngày đó cũng là ngày Quốc tế Lao động đầu tiên với hơn 350.000 công nhân diễu hành biểu tình tại Mỹ.
Tuy vậy, việc áp dụng đạo luật này tương đối chậm chạp và mọi chuyện chỉ thay đổi khi năm 1914 tại các nhà máy của Ford công nhân không những được làm việc đúng 8 tiếng/ngày mà còn được tăng gấp đôi lương. Việc giảm thời gian làm, tăng lương nhưng lại có hiệu suất lao động tăng đáng kể đã khiến toàn bộ giới chủ phải nhìn nhận lại cách thức làm việc của mình từ trước tới giờ. Cuối cùng, năm 1937 mới có đạo luật đầu tiên ra đời về việc quy định số giờ làm tối đa của người lao động trong một ngày là 8 tiếng. Kể từ đó đây cũng là chuẩn chung được áp dụng với người lao động bình thường tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.