Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng voi đực (giống voi châu Á) ở Trung Quốc ngày càng được sinh ra với ngà bé hơn bởi số lượng các con voi đực trưởng thành có ngà lớn bị giảm đi rất nhiều trong tự nhiên do bị săn bắn trộm. Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Yunnan (Vân Nam), nơi mà 2/3 voi của Trung Quốc sống ở đây.
Bắt đầu từ khi ngà voi được sử dụng để làm đồ vật trong nhà và được sử dụng để khảm vào súng, các con voi có ngà bị săn bắn dữ tợn và vô hình trung việc có ngà không còn là một lợi thế nữa. Chỉ có voi đực mới có ngà và trước đây thì việc có ngà to sẽ giúp voi chiến đấu tốt hơn và thể hiện được sức mạnh của mình hơn. Thế nhưng ngày nay thì các con voi có ngà bé hoặc không có ngà lại sống lâu hơn và góp vào quỹ gene của voi trong tự nhiên các gene liên quan tới việc không có ngà/ngà bé. Theo nghiên cứu của Zhang Li tại Beijing thì số lượng gene này trước chỉ chiếm từ 2-5% thì nay đã tăng từ 5-10% trong cộng đồng voi tại Trung Quốc.
Zhang Li cũng dẫn chứng rằng một số nghiên cứu vào năm 1970s và 1980s tại Uganda cũng chỉ ra điều tương tự với kết quả nghiên cứu của mình. Tuy vậy, khá nhiều các trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới cho rằng việc lan truyền và tiến hóa của gene-không-có-ngà trong cộng đồng voi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Chúng ta cũng hy vọng rằng với việc cả thế giới đang chung tay bảo vệ voi thì xu hướng không-có-ngà sẽ không phát triển tiếp tục. Gần đây tại Việt Nam cũng có nghi án chủ voi cấu kết với người ngoài để giết voi nhằm lấy ngà tại Đà Lạt, Lâm Đồng.