Rất ngạc nhiên nhưng tảo và các loại cây thủy sinh dường như lại là sinh vật quan trọng nhất trên Trái Đất này. Tảo tạo ra tới 70%-80% lượng Oxy (O2) trên Trái Đất này. Hầu hết các loại sinh vật sống dưới nước tính theo số lượng cá thể là thực vật phù du (phytoplankton). Các loại thực vật này sống gần mặt nước, sử dụng ánh sáng mặt trời + khí CO2 để quang hợp tạo ra O2. Có hơn 7000 loại tảo khác nhau ở các hồ, sông, biển, đại dương trên Trái Đất, chủ yếu là tảo nâu + tảo xanh nhưng cũng có cả tảo có màu sắc khác như tảo đỏ (nguyên nhân chính tạo ra màu đỏ của Hồng Hải).
Như đã nói ở trên, tảo tạo ra tới 70%-80% lượng Oxy trên Trái Đất hàng ngày (~ 300 tỷ tấn Oxy hàng ngày). Con số này cũng dễ hiểu nếu bạn tính toán về diện tích của đất liền so với diện tích hồ/sông/biển/đại dương… Chỉ riêng các đại dương đã chiếm tới 71% diện tích Trái Đất và ở bất cứ vùng nào của đại dương bạn cũng có thể tìm thấy tảo. Trong khi đó, ở trên mặt đất không phải lúc nào bạn cũng tìm thấy các loại thực vật tạo ra Oxy (ví dụ như ở sa mạc Sahara hay ở các vùng băng giá như Bắc Cực hay Nam Cực).
Có thể nói rằng, cuộc sống của cả Trái Đất không phải do những siêu nhân, những người quyền lực như tổng thống Mỹ quyết định như những fan hâm mộ điện ảnh vẫn lầm tưởng mà lại nằm trong tay các loài thực vật nhỏ và đơn giản hơn nhiều mang tên Tảo.