Trong bài thơ “Tiếng Thu”, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã từng viết rằng :
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?
Tại sao cứ đến mùa thu thì lá lại đổi sang màu vàng? Mà thực ra không phải là màu vàng, còn có cả màu đỏ, da cam… Thậm chí ở một số nơi (như Hà Nội chẳng hạn), lá lại còn đổi màu từ xanh sang vàng/đỏ vào … mùa hè! Vậy nguyên nhân gì gây ra sự thay đổi hàng năm này? Rất nhiều người tin rằng nhiệt độ là nguyên nhân chính nhưng câu trả lời thực sự không phải là do nhiệt độ mà là do lượng ánh sáng mặt trời khác nhau gây ra bởi các mùa khiến cho lá có màu khác nhau vào các mùa khác nhau.
Chất để giữ cho lá cây màu xanh vào mùa xuân và mùa hạ là chlorophyll. Chất này sẽ được cây sản xuất nhiều hơn nếu được hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn (giống Vitamin D ở người phải không bạn?) Khi chuyển mùa, lượng ánh sáng thay đổi và “sản lượng” chlorophyll được sinh ra cũng thay đổi theo, gây ra hiện tượng thay đổi màu trên lá.
Trên thực tế, lá cây vẫn có các phân tử tạo ra màu khác màu xanh, tuy nhiên chúng quá ít để có thể nhìn thấy khi trên lá cây vẫn còn chlorophyll. Chỉ khi chlorophyll còn rất ít trên lá cây, chúng ta mới có thể nhìn thấy các sắc đỏ (do anthocyanin tạo ra), sắc nâu (do tannin tạo ra) hay sắc da cam (do carotenoid và carotense tạo ra).