Không chỉ là hai lá phổi, con người có rất nhiều bộ phận bên ngoài (như tai, mắt, tay, chân…) và bên trong (như thận, bán cầu não …) là có cặp đôi. Tuy vậy, chúng ta lại chỉ có một quả tim. Phổi, tim, thận, gan … và các bộ phận bên trong cơ thể con người được coi là các bộ phận cực kỳ quan trọng không chỉ với sự sống của con người nói chung mà còn quan trọng đối với sự sống của các bộ phận khác. Phổi mang oxy vào trong máu, tim giúp đưa máu đi khắp cơ thể và sau đó phổi lại giúp đưa khí CO2 ra ngoài cơ thể.
Tuy vậy, không chỉ riêng loài người mà hầu hết tất cả các loài động vật thở bằng oxy cũng có hai lá phổi (hoặc hai mang – đối với cá) và chỉ có một quả tim. Chỉ có một vài loài sâu bọ là có nhiều hơn một quả tim và có một số loài khác không có phổi.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sự mất cân đối này có thể đã diễn ra khi loài vật chuyển từ dưới nước lên trên cạn sinh sống vào 300 triệu năm trước. Hệ thống hai lá phổi + một quả tim có lẽ cũng đã là hệ thống tối ưu nhất để tồn tại nên trải qua 300 triệu năm có rất nhiều sự tiến hóa đã xảy ra với các loài động vật nhưng đều không ảnh hưởng tới hệ thống này.
Vậy nếu chúng ta có hai quả tim thì sao? Chúng ta sẽ ít sợ bị đau tim hơn, quả này ngừng đập thì quả kia vẫn đập? Hai quả tim chắc chắn sẽ tốt cho việc đưa máu xung quanh cơ thể nhanh hơn, mang lại nhiều oxy cho cơ bắp hơn và giúp cho khả năng vận động của con người tốt hơn. Bù lại, hai quả tim cũng giúp cho chúng ta có thể bị xuất huyết não nhanh hơn bởi lượng máu bơm lên não quá nhiều. Do vậy, không chỉ đơn giản là lắp thêm một quả tim vào cơ thể là xong mà chúng ta chỉ có thể có hai quả tim khi từng bộ phận trong cơ thể của chúng ta đều thích ứng được với sự thay đổi này.