Các nhà nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) kết luận rằng so với trẻ em ở 29 quốc gia công nghiệp giàu có nhất thế giới, trẻ em Hà Lan hơn các bạn đồng trang lứa chính nhờ có một tuổi thơ đầy mãn nguyện.
Trẻ em xứ sở hoa tuy-lip lọt vào top 5 trong các thứ hạng như đầy đủ về vật chất, y tế và an toàn, giáo dục, hành vi và những rủi ro, nhà cửa và môi trường. Trong đó, người Hà Lan đạt được điểm cao nhất về mục xếp hạng hành vi và rủi ro cũng như giáo dục.
Điều đáng chú ý, kết quả này được xác định không chỉ dựa vào các tiêu chuẩn đánh giá của UNICEF mà còn căn cứ vào các câu trả lời của các bạn trẻ. Khi được yêu cầu tự đánh giá mức độ hạnh phúc của bản thân, trên 95% trẻ em Hà Lan thừa nhận mình hạnh phúc.
Dưới đây là những bí quyết để đem lại hạnh phúc cho con cái của các ông bố, bà mẹ Hà Lan:
1. Có thái độ và quan niệm lành mạnh về con cái, thành công và hạnh phúc
Tuy Hà Lan là một đất nước tự do và cởi mở về những vấn đề như tình dục, ma tuý, rượu...,song người Hà Lan trên thực tế lại khá bảo thủ. Văn hoá của người Hà Lan là hướng về gia đình và coi trọng vấn đề con cái.
Tuy nhiên, bố mẹ Hà Lan có một thái độ lành mạnh đối với con cái. Họ coi con cái là những cá thể hơn là "tài sản” sở hữu. Họ hiểu, thành đạt không hẳn đem lại hạnh phúc song hạnh phúc sẽ là chất xúc tác giúp dẫn đến thành công.
Người Hà Lan biết chế ngự cảm xúc vui buồn và những kỳ vọng khi làm cha mẹ trong thời buổi hiện đại và định hình lại ý niệm về hai từ thành công và hạnh phúc. Đối với họ, thành công bắt đầu từ hạnh phúc - hạnh phúc của con cái và của chính mình.
2. Không tạo ra áp lực không cần thiết cho con cái
Có thể nói, trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ may mắn vì được hưởng chế độ giáo dục tiên tiến. Học sinh tiểu học không có hoặc có ít bài tập về nhà mang tính chất bắt buộc và không phải ôn luyện để thi cử. Đây là niềm mơ ước hay còn có thể nói là điều "xa xỉ” đối với trẻ em nhiều nước trên thế giới.
Ở các trường tiểu học Hà Lan, trẻ bắt đầu đi học từ năm 4 tuổi song chính thức học đọc, viết, làm tính khi sáu tuổi và hoàn toàn không chịu sức ép về học hành. Nếu trẻ hào hứng đến những môn này sớm hơn, chúng sẽ được cấp giáo trình để tự khám phá. Các bạn nào học đọc muộn hơn khi 6 hay 7 tuổi cũng không có gì bất lợi hơn và sớm theo kịp.
Theo nghiên cứu năm 2013 của UNICEF, trẻ em Hà Lan vui thích đến trường và ít chịu sức ép về bài vở và dễ tìm bạn học thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ.
Ngoài sự ưu việt của hệ thống, người Hà Lan hoàn toàn không quan tâm liệu con mình có thể trở thành một thần đồng piano, một kiện tướng cờ vua hay một siêu mẫu nhí nổi tiếng trên Instagam. Họ không dùng đĩa DVD Baby Einstein, không dùng bộ thẻ đen trắng để dạy trẻ biết đọc sớm, đưa trẻ đi gym hay tham gia các khoá học về kích khích trẻ phát triển.
Người Hà Lan không đặt mục tiêu con mình cần phải thông minh nhất. Họ có xu hướng mong muốn con mình có cuộc sống dễ dàng nhất mà thôi.
3. Không đòi hỏi sự hoàn hảo
Họ có một cái nhìn thực tế về việc làm cha mẹ và hiểu rằng bản thân cũng như con mình không phải là hoàn hảo. Họ là những bố mẹ sống trong thế giới thực. Điều đó không có nghĩa là họ không phải đối mặt với nhưng vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Song vì họ có khuynh hướng bỏ qua những thiếu sót về khuyết điểm nên họ có thể dễ dàng tận hưởng thiên chức làm cha mẹ
4. Không cho phép công việc lấn át cuộc sống gia đình
Xã hội Hà Lan đã đấu tranh để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Người Hà Lan làm việc trung bình 29 tiếng/tuần và điều đó cho thấy họ có ít nhất một ngày trong tuần dành cho con cái và chính mình.
Người Hà Lan quan niệm thành công không nhất thiết phải là sự đánh đổi giữa công việc và cuộc sống. Họ làm việc siêng năng nhưng không cho phép công việc lấn át cuộc sống gia đình.
Bạn khó có thể tìm thấy một bà mẹ Hà Lan tỏ ra hối hận về thời gian đã dành cho con mình bởi ngoài công việc làm mẹ và làm việc cô ta sẽ biết tìm một phần thời gian cho chính mình. Những bà mẹ Hà Lan không cảm thấy phiền não về việc sớm lấy lại vóc dáng ngay sau sinh.
Họ cũng không làm những công việc mà trẻ có thể tự làm và họ tin vào việc khuyến khích sự độc lập của trẻ ở độ tuổi thích hợp. Họ tự tin và điềm tĩnh.
5. Nguyên tắc nhưng không độc đoán
Bí quyết thành công trong sứ mệnh làm cha mẹ của người Hà Lan là biết hài hoà giữa sự tham gia, can thiệp vào cuộc sống của con cái và sự "buông lỏng” cần thiết. Điều này thể hiện quyền làm cha mẹ nhưng không độc đoán.
Ở Hà Lan, trẻ em được khuyến khích hành xử tự nhiên, không gượng ép. Vui chơi quan trọng hơn là lặng lẽ vâng lời. Người Hà Lan tin vào việc truyền cảm hứng cho trẻ khám phá ra thế giới xung quanh mình và học hỏi từ đó.
Nguyên tắc của các ông bố, bà mẹ Hà Lan không dựa trên cơ sở trừng phạt. Đối với người Hà Lan, đó là dạy cách ứng xử phù hợp với xã hội. Khác với các nước châu Á vốn có hệ thống tôn ti trật tự cao, tại Hà Lan việc tuân và làm theo ý người lớn hay người giỏi hơn là một khái niệm lạ lẫm.
Thay vào đó, người ta chỉ kỳ vọng trẻ thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ người lớn chứ không phải răm rắp phục tùng người lớn bởi họ quan niệm mọi người đều bình đẳng. Chưa chắc trẻ ngang bướng không nghe lời mà chúng có thể muốn khẳng định vị trí của mình. Học cách dám đưa ra một lập luận có lý lẽ là một kỹ năng sống hữu ích và do vậy cần được khuyến khích.
Các chuyên gia về làm cha mẹ Hà Lan khuyên người lớn nên làm gương tốt cho trẻ. Theo các chuyên gia, cha mẹ không nên đề nghị con mình làm gì đó mà hãy nhắc, bảo con mình với lời lẽ nhấn mạnh: "Bố/mẹ muốn con...". Mục đích là đưa ra sự chỉ dẫn rõ ràng mà không để trẻ thụ động lựa chọn các giải pháp đã được đưa ra.
Nguyên tắc ở đây cũng không có nghĩa là ép uổng con mình làm những thứ hay dùng quyền lực để tranh cãi với trẻ, bí mật theo dõi hay kiểm tra trẻ, hù doạ, la hét trẻ. Thay vào đó, trẻ cần được cổ vũ bằng những lời khen ngợi khi làm việc tốt tốt và ngược lại ngăn chặn ngay hành vi xấu của trẻ.
6. Tạo điều kiện cho trẻ thoả thích vui chơi
Đi ra ngoài dưới mọi điều kiện thời tiết là một phần trong tính cách của người Hà Lan. Vì vậy, họ khuyến khích con mình chơi ngoài trời và trẻ em Hà Lan được tận hưởng sự tự do cao khi vui chơi, như đi xe đạp đến trường, chơi ngoài phố, chơi dưới mưa.... Bố mẹ Hà Lan tâm niệm: "Không có chuyện thời tiết xấu mà chỉ tại mặc quần áo không phù hợp”.
Do có vai trò bình đẳng trong gia đình, trẻ được dạy tự xoay xở và chịu trách nhiệm từ khi còn nhỏ.
7. Ăn sáng cùng con cái ở nhà
Theo tổng kết năm 2013 của UNICEF, 85% thiếu niên Hà Lan ở độ tuổi 11, 13 và 15 được khảo sát ăn sáng hàng ngày ở nhà.
Không có nước nào, các thành viên trong gia đình ăn sáng thường xuyên cùng nhau như ở Hà Lan. Ngồi quây quần ăn sáng cả gia đình trước khi đến trường hay đi làm là một thông lệ trong cuộc sống gia đình của nhiều người Hà Lan.
Theo nhiều công trình nghiên cứu, ăn sáng đều đặn đem lại nhiều lợi ích, như giảm nguy cơ ăn đồ ăn vặt ngoài đường không có lợi cho sức khoẻ, giảm nguy cơ béo phì và tăng khả năng tập trung của trẻ ở trường.
Ngoài ra, ý tưởng khởi đầu một ngày mới cùng nhau bên bàn ăn đem lại một giá trị thặng dư lớn hơn, đó là đem lại một trải nghiệm êm ả và gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
8. Sống cuộc sống đơn giản
Giản dị là chuẩn mực sống của đại đa số người Hà Lan. Các gia đình Hà Lan có xu hướng lựa chọn các hoạt động giản đơn, chi phí thấp theo chủ nghĩa "back-to-basic" (trở về sự cơ bản). Trẻ em thường dùng đồ chơi cũ mua lại ở các chợ đồ cũ.
Các buổi tiệc sinh nhật và hầu hết các buổi liên hoan khác thường là dịp để kỷ niệm sự gặp gỡ, đoàn tụ chứ không phải là để "chơi trội”, thể hiện với những món quà đắt tiền hay quần áo lộng lẫy. Có một thoả thuận ngầm đó là quà tặng trong các bữa tiệc sinh nhật của trẻ thường không quá 10 euro.
Người Hà Lan lựa chọn thời gian chứ không phải tiền bạc và coi tính thiết thực quan trọng hơn sự xa xỉ. Điều mà trẻ em được nuôi dạy tự nhỏ định hình lên chính tính cách của chúng trong tương lai: đó là thực tế, tự tin và không bị ngăn cản bởi những lo lắng, phiền muộn về vấn đề địa vị, thân thế.
Phương Thảo (t/h)
Theo GĐVN