Đừng bất ngờ nếu các con bạn đều mắc chứng sợ hãi trong cuộc sống thường ngày vì có thể đây là loại bệnh được di truyền từ bố mẹ chúng.
Sợ hãi là chứng bệnh có tính di truyền
Một nghiên cứu mới được các nhà khoa học Mỹ tiến hành trên cơ thể động vật cho thấy, những chú chuột con thí nghiệm vài ngày tuổi có thể học được cách duy trì sự sợ hãi đối với một thứ, thông qua việc mẹ của chúng phát ra mùi khi nó cảm thấy sợ hãi điều gì đó.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vào ngày 28/7. Theo đó, chuyên gia Thần kinh học của Đại học Michigan cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, trẻ sơ sinh sẽ sớm học được chứng sợ hãi của mẹ chúng. Quan trọng hơn là những kí ức mà mẹ chúng truyền lại được duy trì lâu dài. Ngược lại, trong việc học các kỹ năng khác ở những ngày đầu mới sinh, nếu như không thường xuyên lặp lại thì chúng sẽ rất mau quên".
Nếu mẹ là người hay sợ hãi thì con cái thường di truyền tính cách này của mẹ |
Cụ thể, các nhà nghiên cứu của đại học Michigan và đại học New York huấn luyện con chuột cái để nó sợ mùi bạc hà. Bằng cách kích điện con chuột mỗi khi cho nó ngửi mùi bạc hà, con chuột sẽ có liên hệ hai sự kiện và hình thành nỗi sợ hãi.
Tiếp đó, họ để những con chuột mang thai. Sau khi sinh, những con chuột cái và những con chuột con mới sinh sẽ cùng được ngửi mùi bạc hà, nhưng không bị kích điện. Các nhà nghiên cứu phát hiện, hormone corticosterone - hormone gây căng thẳng trong cơ thể những con chuột mẹ tăng cao, đồng nghĩa chứng sợ hãi của con chuột mẹ phát tác khi ngửi thấy mùi bạc hà.
Đồng thời nghiên cứu não của con chuột con, các nhà khoa học thấy rằng, chứng sợ hãi của chuột mẹ có thể kích hoạt vỏ amygdala của não chuột con, đây là khu vực tham gia vào quá trình điều tiết chứng sợ hãi của não.
Trong quá trình nghiên cứu, chuột con chỉ tiếp xúc với mùi bạc hà và mùi mẹ chúng phát ra khi sợ hãi. Vậy nhưng, kể cả khi mẹ chúng không có ở đó, những con chuột con cũng thể hiện ra là chúng rất sợ hãi khi ngửi thấy mùi bạc hà. Điều này chứng tỏ chuột mẹ đã truyền lại cho chuột con chứng sợ hãi này thông qua mùi.
Tuy nhiên, khi chuột con được cho uống thuốc ngăn chặn vỏ amygdala phát huy tác dụng, thì chứng sợ hãi này không thể di truyền cho đời sau. Các nhà khoa học cũng cho biết, đối với con người, người mẹ trước khi mang thai mà phải trải qua sự tổn thương về mặt tinh thần cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đứa con. Nghiên cứu mới này giải thích việc tại sao tinh thần bị tổn thương lại dẫn đến việc di truyền cho đời sau và từ đó giúp tìm ra các biện pháp can thiệp cần thiết.
Cách giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi
Làm gương cho con:
Nếu cha mẹ hay sợ hãi, trẻ cũng có khuynh hướng sợ hãi giống như cha mẹ chúng. Con trẻ học rất nhiều từ cha mẹ, do đó cha mẹ nên cố gắng dạy làm gương cho chúng bằng cách tự mình khắc phục nỗi sợ hãi của bản thân.
Cha mẹ không nên có phản ứng quá mức khi có điều gì lo lắng mà nên biết cách đối mặt và vượt qua chúng. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được rằng lo sợ là một điều rất bình thường trong cuộc sống mà chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục và vượt qua được.
Đừng phản ứng thái quá trước nỗi sợ hãi của trẻ:
Cha mẹ không nên bỏ qua khi thấy trẻ lo lắng hay sợ hãi điều gì đó, ngược lại cũng không nên phản ứng thái quá.
Cách phản ứng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ; trẻ sẽ nhận định mình có thể vượt qua hay quy hàng trước nỗi sợ hãi. Cha mẹ chỉ nên phản ứng nhẹ nhàng trước nỗi sợ hãi của trẻ, hỏi thăm trẻ xem bạn có thể làm gì để giúp đỡ chúng, tỏ ra thông cảm với trẻ...
Cho trẻ hiểu rằng sợ hãi là chuyện bình thường trong cuộc sống:
Cha mẹ nên dạy trẻ hiểu rằng sợ hãi không có gì là tội lỗi cả; mọi người, người lớn cũng như bé, ai cũng sợ hãi một điều gì đó ít nhất một lần trong đời. Đồng thời, đảm bảo với trẻ rằng có những giải pháp giúp trẻ vượt qua được nỗi sợ hãi.
Khuyến khích trẻ thổ lộ và bàn bạc với cha mẹ:
Cha mẹ nên biểu hiện rằng bao giờ mình cũng sẵn sàng lắng nghe trẻ thổ lộ những nỗi sợ hãi chúng đang mang trong lòng cũng như sẽ hết lòng giúp đỡ chúng vượt qua những nỗi sợ hãi đó.
Sử dụng phương pháp "tự kỷ ám thị" theo hướng tích cực:
Ví dụ, khi trẻ sợ bóng tối, ba mẹ dạy trẻ lặp đi lặp lại câu: "Tôi không sợ đâu. Chỉ là bóng tối thôi mà. Không có cái gì ở đó có thể làm hại tôi cả".
Tránh những hoạt động có thể làm trẻ sợ hãi:
Cha mẹ không nên để trẻ xem các bộ phim kinh dị, ma quái hay nghe kể các câu chuyện rùng rợn.
Không hù dọa trẻ chỉ vì muốn chúng vâng lời:
Cha mẹ nên cẩn thận không hù dọa trẻ một cách không cần thiết chỉ vì muốn chúng vâng lời; chẳng hạn như "Hãy đi kế bên mẹ, nếu không "ông kẹ" sẽ bắt cóc con đó". Những câu đại loại như thế có thể gây nên những nỗi sợ hãi không cần thiết nơi trẻ.
Đừng "úm" trẻ quá mức:
Nếu cha mẹ luôn tỏ ra bảo vệ con mình quá mức, trẻ sẽ có khuynh hướng cái gì cũng sợ. Đôi lúc, trẻ phải tự mình trải qua nỗi sợ hãi để biết cách khắc phục chúng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên giới thiệu những điều đáng sợ cho con để chúng "có kinh nghiệm". Ngược lại, khi trẻ phải đối mặt với nỗi sợ hãi nào đó, thay vì gạt bỏ nỗi sợ hãi đó qua một bên ngay tức khắc, cha mẹ nên đề nghị hỗ trợ và giúp trẻ dũng cảm đối mặt với nỗi sợ đó.
Khen/thưởng trẻ khi chúng có thái độ không lo lắng/sợ hãi:
Cha mẹ nên cổ vũ khi trẻ thực hiện điều gì đó lần đầu tiên nhưng chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm cũng như tính độc lập. Ngoài ra, những lời khen cũng như những phần thưởng của cha mẹ khi trẻ có tiến bộ và từng bước vượt qua nỗi sợ hãi cũng góp phần khuyến khích trẻ khắc phục nỗi sợ hãi.
Dạy trẻ cách thư giãn:
Thư giãn giúp trẻ giải tỏa những căng thẳng do sợ hãi gây nên. Một trong những kỹ năng thư giãn hữu hiệu là sử dụng trí tưởng tượng để hồi tưởng cũng như phát triển các hình ảnh mang tính thư giãn tích cực (chẳng hạn như tham gia các hoạt động ngoài trời, trên bãi biển...). Một kỹ năng khác là hướng dẫn trẻ cách căng và thả lỏng các nhóm cơ bắp theo hệ thống. Nên luyện tập các kỹ năng này mỗi ngày để đạt hiệu quả cao hơn.
Cha mẹ nên tư vấn các nhà chuyên môn để biết cách thức nào thích hợp nhất cho con của mình, đồng thời hỏi trẻ xem chúng thích cách thức nào để có phương pháp rèn luyện hợp lý. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ sử dụng liệu pháp âm nhạc khi cảm giác sợ hãi điều gì đó vì âm nhạc có tác dụng làm dịu tinh thần rất hữu hiệu.
Tư vấn các nhà chuyên môn về tâm lý:
Nếu nỗi sợ hãi nơi trẻ gây cản trở sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của chúng cũng như của gia đình, và cứ tiếp diễn mặc dù cha mẹ đã tiến hành nhiều cách thức để hỗ trợ trẻ vượt qua nỗi sợ hãi đó, cha mẹ nên nhờ các nhà chuyên môn về tâm lý tư vấn để có hướng giải quyết thích hợp và hiệu quả hơn.
Hảo Min (tổng hợp)
Theo GĐVN