Natasha Daniels là một nhà trị liệu tâm lý trẻ em người Mỹ và tác giả cuốn sách How to Parent Your Anxious Toddler. Bài viết dưới đây, bà chia sẻ 5 cách đã áp dụng thành công với các con mình, giúp trẻ biết lễ phép và vâng lời.
Mách bạn 5 mẹo lạ lùng giúp dạy con ngoan của nhà tâm lý
Nhà tâm lý chia sẻ: “Là bố mẹ, chúng ta được nhận rất nhiều lời khuyên khi nuôi dạy con. Tuy nhiên, không phải cách nào cũng hữu ích. Có ba con, tôi thấy có những cách hiệu quả với bé này nhưng lại phản tác dụng với bé kia.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm mẹ, tôi thấy có 5 mẹo lạ, nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự lại rất hiệu quả, ít nhất là trong gia đình tôi. Chúng có thể không hữu hiệu với con bạn bởi mỗi đứa trẻ là duy nhất và rất khác biệt, nhưng bạn cứ thử tham khảo xem sao”.
Sử dụng những bài hát để trẻ làm việc bạn muốn
Tôi hay hát to để đánh thức các con dậy, hát khi muốn con đi tắm, khi cần con đi ngủ. Lời bài hát tôi tự chế, giọng thì cũng chẳng hề hay nhưng nó giúp tôi đạt được mục đích.
Và một ích lợi nữa là tôi đỡ phải cằn nhằn các con. Trẻ thích nghe hát và tôi không phải la mắng, hò hét. Khi con sắp đến giờ ngủ, phải đi đánh răng, nghe tôi hát là bọn trẻ đã biết điều gì sắp xảy ra và đáng ngạc nhiên là nó khiến một ngày diễn ra thanh bình hơn.
Khen ngợi trẻ về những hành vi trẻ... không làm
Điều này nghe có vẻ lạ nhưng khi áp dụng cách này, tôi đã sốc vì nó vô cùng hiệu quả.
Nhiều khi, bạn nên khen ngợi những hành vi trẻ...không làm để con chủ động làm việc bạn muốn |
Bất cứ khi nào trẻ không nghe lời (không chịu ra khỏi bồn tắm, chẳng chịu mặc quần áo hay dọn dẹp đồ chơi)... tôi chỉ cần bảo con: "Mẹ rất vui khi con ra khỏi bồn tắm" hay "Con đúng là chàng trai biết dọn dẹp sạch sẽ. Cảm ơn con"...
Những lúc đó, tôi thường nhận được một cái nhìn lạ lùng của bọn trẻ và... sốc hơn, các con làm đúng như lời tôi nói. Cách này có thể không thành công 100% nhưng thực sự đáng để thử.
Nói "được thôi" khi trẻ bảo con sẽ không làm việc gì đó
Câu này nghe có vẻ như một lời khuyên quá tệ nhưng bạn cứ thử xem, biết đâu lại giúp đổi ngược tình thế. Khi con tôi tuyên bố: "Con sẽ không dọn dẹp phòng đâu. Quá nhiều đồ". Tôi bình tĩnh bảo: "Được thôi".
Khi đó trẻ thường nhìn lại mẹ với đôi mắt mở to, còn tôi thì tiếp tục: "Có lẽ mẹ lại thay bộ đồ ở nhà thôi, chứ hôm nay chắc chúng mình sẽ không đi đâu cả khi nhà cửa bừa bộn thế này. Mẹ muốn đi vườn bách thú nhưng không được rồi". Sau đó, tôi bỏ ra chỗ khác. 10 lần như vậy thì có tới 9 lần trẻ sẽ nhanh chóng dọn sạch và chạy ngay ra ngăn mẹ thay bộ đồ mặc nhà.
Khi con nói không lễ phép, đừng mắng, hãy nhắc con câu bạn muốn bé nói
Điều này cũng khá lạ và có thể khiến nhiều bố mẹ phản đối. Khi trẻ đòi hỏi điều gì đó với từ ngữ không tôn trọng, hãy nhắc câu bạn muốn con nói chứ không chỉ trích bé.
Chẳng hạn, khi đứa con 4 tuổi của tôi gào "Con muốn sữa cơ!", tôi nói: "Mẹ ơi, mẹ lấy sữa hộ con với ạ". Sau vài lần như vậy, bây giờ, con tôi nói những câu như "Cảm ơn mẹ" hay "Mẹ giúp con..." rất tự nhiên.
Thể hiện tình yêu trẻ khi con nói những lời làm bạn tổn thương
Khi con nói những câu kinh khủng như "Con ghét mẹ" hay "Con ước gì con không phải là con của mẹ", hãy phản ứng ngược lại với thông thường. Đừng nói những câu kiểu như "Đồ láo toét"... mà chỉ cần đáp: "Như vậy cũng không sao. Mẹ vẫn yêu con".
Thường nếu trẻ giận dữ tới mức hét lên những lời này, chúng muốn bạn cảm thấy tổn thương. Nhưng hãy đáp lại bằng sự tử tế và tình yêu thương và bạn sẽ thấy tình huống sẽ kết thúc bằng nước mắt, tiếng cười hoặc cả hai.
Những sai lầm cần tránh khi muốn dạy con ngoan
Không nuông chiều con
Thói quen chiều con không chỉ khiến bố mẹ đau đầu mà còn làm trẻ trở nên hư. Vì thế, bố mẹ chỉ nên đáp ứng nhu cầu của con nếu thấy thật sự cần thiết, đồng thời chỉ cho con thấy rằng bạn sẽ chỉ chiều bé ở một giới hạn nhất định, hay một số tiền cố định cho việc mua đồ cho bé, để bé có sự nhìn nhận thực tế về cách chúng có được điều mình muốn và giá trị của đồng tiền cũng như việc chăm chỉ lao động.
Bé sẽ phải tự mình tiết kiệm tiền nếu muốn mua thêm.
Muốn dạy con ngoan thì không nên thiếu kỉ luật
Thiếu kỷ luật trong dạy dỗ con cái thường bắt nguồn từ việc không muốn nhìn nhận vào bản chất vấn đề. Nhiều bậc phụ huynh không biết làm sao để để xây dựng nguyên tắc với con, vì vậy họ chọn cách chẳng làm gì cả.
Tuy nhiên, nếu trẻ không được dạy về cách giao tiếp với người khác, vệ hậu quả từ việc làm của mình, ý thức về ranh giới giữa đúng và sai, tốt và xấu có thể sẽ không tồn tại trong suy nghĩ của trẻ.
Bạn cần đặt ra những nguyên tắc nhất định và dứt khoát đối với con trong mọi trường hợp. Quy định nhữn hình phạt dành cho bé nếu bé vi phạm và mẹ sẽ không nhân nhượng.
Muốn dạy con ngoan thì không nên a dua theo chúng
Nhiều ông bố bà mẹ bênh con bất kể bé đã có những hành xử không đúng, và khăng khăng rằng con mình đúng, hay làm ngơ.
Khi ấy, bé sẽ mặc định rằng bé không sai, và sẽ tái diễn điều đó khi có cơ hội. Bé sẽ chối bay lỗi của mình vì “mẹ bảo đúng”. Và thế là, bạn đang trở thành người cổ xúy cho con một cách sai lầm.
Lơ là với trẻ
Theo thống kê những năm trở lại đây, số trẻ em phạm tội có chiều hướng tăng rõ rệt, phần nhiều trong số đó rơi vào những trẻ có bố mẹ li hôn, hay bố mẹ không dành nhiều thời gian cho con, trẻ bị bố/mẹ bạo hành… tất cả đều xuất phát từ sự thờ ơ, thiếu hoặc không có sự quan tâm đến trẻ.
Điều này trước hết đẩy trẻ vào thế bị cô lập, mất phương hướng và dễ dàng sa ngã vào những việc làm sai trái. Trẻ cũng không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, dẫn đến mối liên hệ tình cảm trong trẻ mất dần và phải tìm kiếm những mối liên hệ thay thế không lành mạnh khác.
Muốn dạy con ngoan thì không nên làm gương xấu
Bố mẹ và những người bé hay tiếp xúc là tấm gương phản ánh rõ rệt nhất đối với trẻ. Những hành vi không tốt có thể ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý và cách hành xử của trẻ, khiến trẻ bắt chước rất nhanh và nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ hình thành nên thói quen có hại, nhất là khi chính bạn lại nghĩ rằng trẻ sẽ không chú ý đến những điều này.
Tốt hơn hết, hãy là hình mẫu để con bạn noi theo bằng cách luôn để trẻ tiếp thu những điều hay, lẽ phải, không để bé nghe những lời nói tục, hành động xấu. Kể cả khi bạn mắc lỗi, bạn cũng nên giải thích để bé hiểu và không làm theo.
Hảo Min (t/h)
Theo GĐVN