Dạy bé nhận tiền mừng tuổi đúng cách

Từ khóa

Tết là dịp trẻ em được nhận tiền mừng tuổi nhưng có vô vàn tình huống dở khóc dở cười khi trẻ nhận tiền mừng tuổi khiến bố mẹ mất mặt với bạn bè, anh em.

Muôn chuyện oái oăm chuyện lì xì ngày Tết

Mỗi năm một lần vào dịp Tết đến, trẻ em lại được nhận lì xì mừng tuổi. Tuy nhiên, thái độ nhận phong bao của con trẻ cũng là vấn đề cần bàn. Nhiều cháu khi vừa nhận từ tay khách đã vội bóc ra xem và chê bai số tiền bên trong. Không ít cháu giật lấy lì xì rồi nhìn chằm chằm vào khách mà không thốt lên được câu cảm ơn.

tien mung tuoi suckhoenhi.vn

Dạy con nhận tiền mừng tuổi là cả một nghệ thuật

Theo thạc sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nếu các con được dạy trước về cách nhận và nói lời cảm ơn khi được tặng phong bao, trẻ sẽ biết cách ứng xử để bố mẹ không gặp tình huống khó xử. Chị Hương có cô con gái năm nay đã 16 tuổi. Ngay từ nhỏ, bé đã được mẹ kể về truyền thuyết lì xì cũng như ý nghĩa của nó và dạy cách chào hỏi, cảm ơn. Vì thế, chị chưa từng phải dở khóc dở cười với việc con khiếm nhã trước mặt khách. Bé luôn đưa hai tay nhận lì xì rồi nói "con cảm ơn cô/chú ạ" như một thói quen khiến mọi người rất vui.

Có lần đi dự tiệc, chị chứng kiến một em bé tỏ thái độ với vị khách mừng tuổi ít hơn người khác. Cầm lì xì, em ấy xé ra rồi chạy lại chỗ mẹ nói "mẹ ơi, mỗi 50.000 đồng". Mọi người đang có mặt tại đấy lặng người trước hành động của đứa trẻ và dần lảng đi, nói chuyện khác. Gia đình này đã rất ngượng và mắng mỏ con.

Lần ấy, chị Hương gọi em bé ra một chỗ và kể cho con nghe về tục lệ nhận lì xì. "Tôi nói với con rằng mỗi tờ tiền có màu sắc khác nhau. Màu của tờ tiền 50.000 đồng mang ý nghĩa chống lại quỷ dữ. Tờ tiền sẽ có giá trị khi nó chống lại được quỷ dữ. Hành động lúc nãy của con khiến cô ấy buồn. Con nên xin lỗi và cảm ơn cô", chị Hương kể.

Sau khi được chị Hương giải thích, em bé đã ra xin lỗi người tặng lì xì và ngay lập tức, ai nấy đều thấy vui vẻ. Theo chị Hương, không chỉ việc nói cho bé hiểu về ý nghĩa của phong bao, phụ huynh cũng nên dạy con cách sử dụng số tiền ấy ra sao sau Tết. Với con gái mình, chị Hương đặt ra một số nguyên tắc, đó là lúc nhỏ, lì xì của con sẽ đặt dưới gối để sau Tết mẹ con cùng đi mua món đồ gì đó. Khi bé lớn hơn, chị sẽ nói với con rằng con được lì xì, mẹ cũng mất một khoản tiền để mừng tuổi bạn khác, vì thế, con phải có trách nhiệm bù một chút cho mẹ. Đó là cách dạy con chia sẻ khó khăn với bố mẹ trong dịp Tết.

Dạy bé nhận tiền mừng tuổi đúng cách

Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, cha mẹ đã có thể nhắc nhở, bảo ban trẻ dần dần về cách ứng xử trong cuộc sống, trong đó có việc nhận tiền mừng tuổi khi Tết đến.

Lễ phép cảm ơn

Dù được bất kỳ ai tặng phong bao mừng tuổi, trẻ đều phải lễ phép nói câu 'Cảm ơn' với thái độ trân trọng và cảm tạ.

Không mở xem phong bao

Nếu trẻ đã có thể tự cầm lì xì, bạn nên dặn trẻ nên cất phong bao vào túi riêng của mình hoặc có thể để cha mẹ cất giúp tránh đánh rơi. Yêu cầu trẻ tuyệt đối không bóc, xé hay mở xem phong bao có những gì ngay khi được khách mừng tuổi vì đây là hành vi bất lịch sự, không tôn trọng người lớn.

Tiêu tiền mừng tuổi sao cho ý nghĩa

Sau mỗi dịp Tết, trẻ và cha mẹ có thể cùng ngồi với nhau để 'tổng kết' vấn đề sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào cho hợp lý. Nhiều bé chưa thực sự suy nghĩ vấn đề này sâu xa nên không quan tâm, tuy nhiên, bố mẹ cần có thái độ rõ ràng dù bé ít tuổi. Ví dụ, bạn có thể nói cụ thể với trẻ rằng: 'Tiền mừng tuổi con nhận được sẽ được bố mẹ sử dụng để mua quần áo mới, sữa uống và đóng tiền học cho con'.

Với trẻ đã lớn và cũng có những kế hoạch riêng của mình thì bạn nên lắng nghe và xem xét có nên ủng hộ ý kiến của con hay không? Nếu không hợp lý thì bạn cần phân tích và thuyết phục bằng những lý do chính đáng hoặc hướng trẻ đến những mục đích tốt đẹp hơn như tiết kiệm lâu dài để tham gia một khóa học, tiếp tục nuôi lợn đất để quyên góp từ thiện…

Hãy để trẻ chủ động và học cách sử dụng quỹ tài chính cá nhân có ý nghĩa từ chính khoản tiền lì xì mừng tuổi.

Hảo Min (t/h)

Theo GĐVN

Bài liên quan

Bài liên quan