Đã bao giờ bạn gặp phải trường hợp cả điện thoại và laptop của bạn ở cùng một chỗ và gần một mạng wifi, tuy nhiên điện thoại thì vẫn bắt và sử dụng wifi bình thường, trong khi laptop lại không tìm thấy mạng wifi đó ? Mặc dù trước đó ở các nơi khác laptop vẫn bắt được wifi bình thường.
Bạn đã thử restart lại máy tính cũng như modem nhiều lần nhưng vẫn không có tác dụng, hên xui lúc bắt được lúc không. Hừm.. khó nhỉ.. Ok. bài viết này Thuthuatviet sẽ hướng dẫn các bạn cách khắc phục vấn đề này.
Tuy nhiên nếu như bạn đang ở trong trường hợp mất biểu tượng wifi ở góc màn hình thì nên tham khảo bài viết Không có biểu tượng Wifi trên thanh Taskbar Win 7
Nguyên nhân laptop không thấy wifi trong khi điện thoại vẫn bắt được
Nguyên nhân của vấn đề này là do kênh phát wifi của modem của bạn nó không phù hợp với laptop của bạn. Bạn tưởng tượng như bạn và một người bạn của mình chém gió với nhau, tuy nhiên do gu nói chuyện không hợp nên bạn chém nhiệt tình mà đứa bạn của mình mãi chẳng hiểu gì cả, cứ ngơ ngơ ngác ngác và đần mặt ra vậy. Máy tính của bạn cũng vậy, modem vẫn phát wifi nhiệt tình, tuy nhiên có mỗi cái điện thoại nó hiểu, còn laptop lại không hiểu gì.
Hoặc gần nhà bạn có quá nhiều wifi phát cùng với kênh mà modem của bạn đang sử dụng dẫn tới việc sóng wifi bị chồng chéo lên nhau, tín hiệu bị ảnh hưởng và laptop của bạn không thu được tín hiệu wifi.
Khắc phục vấn đề laptop không thấy wifi nhưng điện thoại lại thấy
Thông thường các kênh phát wifi thường chồng chéo lên nhau, do các modem thường đặt mặc định các kênh giống nhau. Có 3 kênh là 1, 6, 11 được sử dụng cho 2.4 GHz wifi và 3 kênh này thường ít bị chồng chéo lên nhau hơn nên chúng ta có thể tùy chỉnh cho modem của mình phát với 1 trong 3 kênh này để tín hiệu wifi tốt hơn. Như vậy cả laptop và điện thoại của bạn sẽ nhận được tín hiệu wifi tốt hơn.
Cách thay đổi kênh phát của wifi
– Bước 1: Chúng ta cần mở trang quản lý modem lên, thông thường các modem sẽ sử dụng các địa chỉ sau cho trang quản lý
- http://192.168.0.1
- http://192.168.100.1
- http://192.168.1.1
- http://10.0.0.1
Tuy nhiên để chắc chắn thì các bạn làm theo các bước sau, bấm phím Window + R để mở hộp thoại Run, sau đó gõ vào cmd
Tiếp theo các bạn gõ vào ipconfig và enter sẽ được hình như bên dưới, phần Default Gateway mà mình tô màu trắng chính là địa chỉ truy cập vào modem của bạn. Các bạn copy địa chỉ đó và mở ra trên trình duyệt.
Sẽ có phần yêu cầu nhập tài khoản mà mật khẩu để truy cập, thông thường các modem sẽ có tài khoản và mật khẩu mặc định là admin/admin. Hoặc các bạn có thể lật ngược modem lên và xem ở bên dưới, nếu vẫn không thấy thì phải gọi điện lên hỏi nhà cung cấp dịch vụ internet của bạn.
– Bước 2: Sau khi đăng nhập xong các bạn vào phần Wifi Settings hoặc có thể là WLAN. Đối với một số modem thì cần vào thêm phần Advanced Settings hoặc Advanced Configuration
Tại đây các bạn sẽ thấy phần Channel, các bạn đổi sang 1, 6 hoặc 11 tùy thích. Sau đó Ok/Apply để lưu lại.
Đối với 1 số modem khác sẽ có giao diện như này
– Bước 3: Khởi động lại modem nếu thay đổi này chưa được cập nhật.
Bây giờ các bạn thử kiểm tra xem máy tính của mình đã bắt được Wifi tốt chưa nhé. Nếu vẫn chưa thấy gì thì có thể đổi sang các channel khác hoặc Auto thử xem sao.
Thông thường với vấn đề này thì các bạn chỉ cần đổi lại kênh (Channel) phát wifi là được. Chúc các bạn thành công.