Câu trả lời hóa ra lại rất là vật chất : bởi vì nó đắt. Vải màu tím ở thời cổ đại chỉ có tại Tyre (một thành phố của người Phoenician, Lebanon ngày nay). Những người buôn vải đã lấy màu nhuộm từ một loài nhuyễn thể chỉ có thể tìm thấy tại vùng Tyre, Địa Trung Hải nên vào thời đó màu tím thực sự hiếm và chỉ có hoàng gia mới có đủ tiền để mua nó.
Ở thời đó, cần tới 9000 con nhuyễn thể để tạo ra một gram thuốc nhuộm màu tím. Chính bởi việc khó tạo ra màu tím mà sau đó hoàng gia La Mã, Ai Cập, Ba Tư cũng đều sử dụng màu tím cho quần áo của mình. Màu tím cũng bắt đầu mang ý nghĩ thần thánh bởi hoàng gia của các vương quốc cổ đại đều tự coi mình là thánh thần hoặc là con của thánh thần.
Đôi khi chi phí sản xuất ra thuốc nhuộm màu tím quá đắt tới nỗi hoàng gia cũng không mua nổi chúng. Hoàng đế La Mã Aurelian ở thế kỷ thứ III đã không cho phép hoàng hậu của ông ta mua lụa tím vùng Tyrian bởi nó đắt hơn cả vàng. Tới thời hiện đại, màu tím lại được sử dụng phổ biến ở các quốc gia châu Âu và đặc biệt phổ biến tại Anh trong thời Elizabeth (1558 tới 1603). Nữ hoàng Elizabeth I đã cấm tất cả các tầng lớp khác trong xã hội sử dụng màu tím mà chỉ có hoàng gia mới được sử dụng màu sắc này.
Phải cho tới tận thế kỷ XIX thì màu tím mới được sản xuất một cách công nghiệp và rẻ hơn. Năm 1856, nhà hóa học người Anh (mới 18 tuổi) William Henry Perkin đã vô tình tạo ra màu tím tổng hợp khi ông đang định sản xuất ra quinine, thuốc chống sốt rét. Ông này nhận ra rằng chất hóa học màu tím mình tạo ra hoàn toàn có thể sử dụng để làm thuốc nhuộm và đã đi đăng ký bản quyền công thức này dưới cái tên là Aniline Purple và Tyrian Purple. Bắt đầu từ lúc này, dân chúng ở các tầng lớp khác trong xã hội tại châu Âu mới bắt đầu có thể sử dụng quần áo màu tím với giá cả có thể chấp nhận được.