Tại sao những người thiết kế máy bay dân dụng không sử dụng cửa sổ hình tròn, cửa sổ hình vuông/chữ nhật (như xe khách, tàu hỏa) hay thậm chí là cửa sổ hình tam giác?
Trên thực tế, các máy bay dân dụng đầu tiên (the De Havilland Comet của Anh) đã từng sử dụng cửa sổ hình chữ nhật. Tuy vậy, ngay sau khi được giới thiệu ra ngoài thị trường và được bay thử (vào năm 1952) thì đã xảy ra tới 3 vụ tai nạn máy bay trong một thời gian ngắn. Sau khi nghiên cứu 3 vụ tai nạn này, các nhà khoa học nhận ra rằng nguyên nhân tai nạn đều bắt nguồn từ việc thân máy bay không chịu nổi sức ép của không khí. Chính xác hơn, những chỗ yếu nhất trên thân máy bay chính là góc của các cửa sổ hình chữ nhật có kích thước lớn trên máy bay. Với những nghiên cứu sau này, người ta cho rằng có tới 70% sức ép của không khí vào máy bay tập trung vào góc của các cửa sổ máy bay. Sau đó, the De Havilland Comet đã được thiết kế lại với các cửa sổ hình tròn để chịu được sức ép từ không khí tốt hơn.
Thế nhưng, bây giờ bạn cũng ít thấy cửa sổ máy bay hình tròn mà lại là hình bầu dục (oval). Việc chuyển từ cửa sổ hình tròn sang cửa sổ hình bầu dục có hai lý do : một là giúp giảm việc sử dụng các tấm nguyên liệu đặc gia cố giữa hai cửa sổ, hai là giúp cho hành khách trên máy bay với chiều cao cơ thể khác nhau đều có thể nhìn ra bên ngoài được dễ dàng.