(Bài viết dưới mang tính tham khảo, xin được cảnh báo trước không thử làm theo một mình khi chưa có sự hướng dẫn của bác sỹ).
Bất cứ khi nào chúng ta nói đến nọc độc của rắn, ta lại nghĩ tới những con rắn hổ mang, rắn lục hay những con rắn độc khác bò lặng lẽ trong bụi rậm, sẵn sàng tấn công con người và các loài động vật khác bất thình lình bằng nọc độc của mình.
Tuy nhiên, không phải con rắn nào cũng độc. Trên thực tế, rắn/trăn không có nọc độc sẽ dùng sức để siết cổ con mồi, khiến con mồi bị ngạt thở, không còn khả năng chống cự. Trong khi đó, rắn độc chỉ cần cắn và truyền nọc độc từ nước bọt của mình vào thẳng máu của con mồi là khiến con mồi tê liệt ngay lập tức.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, nọc độc của rắn không phải là thuốc độc. Để giải thích rõ ràng hơn thì chúng ta thường định nghĩa thuốc độc là những hóa chất có trong tự nhiên/được tổng hợp khi ăn vào người sẽ bị mất mạng. Thế nhưng nọc độc của rắn thì không thể làm bạn mất mạng khi ăn mà chỉ có thể làm bạn mất mạng khi được đưa thẳng vào trong mạch máu. Nước bọt, dịch vị dạ dày … của bạn sẽ làm nọc độc của rắn bị phân hủy và không có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể gì cho cơ thể của bạn.
Nọc độc của rắn chỉ có thể làm bạn mất mạng khi ăn nếu như hệ tiêu hóa của bạn bị tổn thương và nọc độc của rắn có thể tấn công trực diện vào mạch máu của bạn trước khi nó bị phân hủy. Do vậy, để đảm bảo tính mạng thì chúng tôi không khuyến khích bạn thử nghiệm ăn bất cứ thứ gì liên quan tới rắn và nọc độc của rắn khi bạn chưa biết chắc có nguy hại cho cơ thể hay không.
Có khoảng 1/4 loại rắn (~600 loại) trong họ nhà rắn là rắn độc (ví dụ như rắn hổ lục, rắn hổ mang, rắn biển …) Các loại rắn có màu sắc càng đẹp cũng thường là các loại rắn có nọc độc càng mạnh.