Có thể bạn không biết rằng nếu không bị ốm thì mỗi ngày mũi của một người bình thường cũng tạo ra gần 1 lít nước mũi. Hầu hết nước mũi trong ngày khi chảy ra đều được nuốt xuống họng một cách vô thức và bạn khó có thể nhận ra được điều này . Tuy vậy, khi bị cảm cúm, lượng nước mũi chảy ra nhiều một cách bất thường và tràn ra cả ngoài mũi thay vì đi xuống như cổ họng. Chính lúc đó bạn mới nhận ra là mình đang bị chảy nước mũi (trong khi thực ra lúc nào chả thế )
Khi mũi bạn bị lạnh hoặc bị cảm cúm, máu sẽ dồn lên mũi nhiều hơn để giúp cho không khí ở bên trong mũi cũng như không khí bạn hít thở từ bên ngoài vào được làm ấm. Tuy vậy việc dồn quá nhiều máu lên mũi cũng làm các tuyến (gland) ở mũi hoạt động mạnh hơn bình thường và kết quả là tiết ra nhiều nước mũi hơn bình thường. Với các trường hợp bị cảm cúm thì nước mũi sẽ chảy ra để cơ thể có thể đẩy virus có hại ra ngoài càng nhanh càng tốt. Do vậy, để tránh bị chảy nước mũi thì bạn phải làm ấm mũi/cơ thể của mình ngay khi có dấu hiệu bị chảy nước mũi và uống thuốc để chống chọi với virus khi có bệnh. Ngoài ra, cũng cần uống nhiều nước hơn bình thường để bổ sung lượng nước mũi bị chảy ra ngoài.
Trong khi đó, nguyên nhân của việc bị chảy nước mũi khi khóc lại hoàn toàn khác. Tuyến nước mắt khi tiết ra nước mắt ở gần mũi sẽ “rò rỉ” một lượng nước mắt nhất định xuống mũi và hòa với nước mũi chảy ra ngoài. Cái mà bạn tưởng là nước mũi trong khi khóc thực ra lại là hỗn hợp của cả nước mắt lẫn nước mũi.