Tại sao lại gọi là Công tử Bột?


Công chức Hà Nội xưa thời Pháp thuộc


Thường thì bất kỳ chàng trai nào ít am hiểu xã hội, vẻ béo tốt, trắng trẻo, ăn mặc sạch sẽ cứ ngơ ngơ ngác ngác trước cuộc sống, vụng về trong công việc, thích ăn chơi, lười biếng… đều bị gọi là Công tử Bột. Vậy Công tử Bột là ai? Đã từng là một người hay nhiều người?


Theo nhiều người kể lại, các chàng Công tử Bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn. Lại có người nói rằng, trước đây ở Hà Nội, có một viên chức ngành bưu điện có đứa con trai nổi tiếng ăn chơi, lêu lổng… Từ những công chức ăn mặc trắng tinh này, tên Công tử Bột mới xuất hiện. Nhưng cớ sao lại gọi là Công tử Bột ?


Công tử” là con quan, thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng “bột” là gì ? Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa trong “bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phỗng bột” cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn bụ bẫm… Và từ “bột”, vốn là cách đọc chệch của âm từ “Poste” trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép). Hóa ra công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện hay liên quan tới nghề bưu điện. Hiện nay các hình ảnh đó đã xa vắng, khác lạ so với chúng ta, không còn hình ảnh nào để gợi nhớ tới họ nữa mà chỉ còn lại ý nghĩa chỉ các chàng công tử nhà giàu trắng trẻo, ngơ ngác, phụ thuộc vào bố mẹ và không biết làm gì ngoài việc tiêu tiền/ăn chơi.

Bài liên quan

Bài liên quan