Rượu để uống thông thường bao gồm có các thành phần chủ yếu là nước, chất tạo mùi, chất tạo màu tự nhiên, ethanol và một số chất hóa học khác. Ethanol có công thức là C2H5OH (hay còn được viết là CH3-CH2-OH) có nhiệt độ đông đặc ở -114.1 độ C và nhiệt độ sôi là 78.5 độ C. Trong khi đó, nước có nhiệt độ đông đặc là 0 độ C. Rượu là dung dịch được pha lẫn giữa Ethanol và nước nên nhiệt độ đông đặc của dung dịch này phải nằm giữa 0 độ C và -114.1 độ C. Càng nhiều Ethanol trong rượu thì nhiệt độ đông đặc càng thấp hơn 0 độ C.
Tủ lạnh dân dụng có nhiệt độ hoạt động bình thường vào khoảng từ 1 độ C tới 5 độ C. Ngăn làm đá của tủ lạnh cũng chỉ có nhiệt độ hoạt động (lạnh) tối đa là vào khoảng 0 độ F (tương đương với -18 độ C). Với các loại rượu mạnh (có độ cồn trên dưới 40%) như Vodka thì nhiệt độ đông đặc của dung dịch rượu chắc chắn là nằm dưới -18 độ. Do vậy, rượu Vodka và các loại rượu mạnh khác rất khó có thể đông đặc lại thành đá khi để ở tủ lạnh bình thường (ngay cả khi để trong ngăn đá). Nếu chai rượu mạnh bình thường của bạn để trong tủ lạnh dân dụng mà bị đông thành đá thì chắc chắn bạn có quyền nghi ngờ chất lượng của chai rượu đó.
Ngoài ra, để giữ các loại rượu khác nhau thì cũng cần môi trường khác nhau chứ không nhất thiết rượu nào cũng phải cho vào tủ lạnh. Rượu vang giữ được tốt nhất ở khoảng 13 độ C, vang trắng có thể để lạnh hơn còn các loại vang đỏ đậm màu nên để ở nhiệt độ từ 15-19 độ C. Đối với các loại rượu mạnh hơn, bạn không nhất thiết phải để ở trong tủ lạnh mà chỉ cần để ở tại phòng tối có nhiệt độ xấp xỉ 20-25 độ C là được.