Không chỉ con người mà nhiều loài động vật có vú, bò sát và cá cũng có hai lỗ mũi. Thường thì trong tự nhiên rất ít khi có bộ phận nào là thừa và mọi thứ sinh ra đều phải có lý do của nó. Quả thật hai lỗ mũi cũng có tác dụng hơn nhiều so với việc chỉ có một lỗ mũi. Cá thường sử dụng mũi để ngửi mùi, rắn để thở và chim ngoài việc thở còn sử dụng lỗ mũi để điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Với con người, việc có hai lỗ mũi sẽ giúp chúng ta ngửi được nhiều mùi phức tạp hơn. Cơ chế lan truyền của các chất tạo mùi là khác nhau, có mùi thì ngay lập tức xực lên mũi, có mùi lại phải để một lúc mới ngửi thấy được. Hai bên mũi của chúng ta sẽ thực hiện việc tiếp nhận các mùi có tốc độ lan tỏa khác nhau này. Việc có hai lỗ mũi cũng giúp cho cho chúng ta xác định được rõ hơn nguồn gốc của mùi thơm/thối, phân biệt được rõ ràng thức ăn tốt và thức ăn không tốt (riêng phần này đã được nghiên cứu tại Berkeley bởi Đại học California).
Mũi còn là điểm phòng thủ đầu tiên trước sự tấn công của bệnh tật với con người. Mũi con người luôn được giữ ẩm và được trang bị nhiều lông bên trong để giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn tại đó, không cho chúng thâm nhập sâu hơn vào trong cuống họng và phổi. Ngoài ra, đây cũng là điểm để giữ lại nhiệt và hơi nước khi chúng ta thở ra, giúp cho chúng ta không bị mất nhiệt và mất nước trong quá trình hô hấp. Tóm lại, việc có hai lỗ mũi sẽ giúp cho con người và động vật tăng cường khứu giác, phòng thủ tốt hơn trước các yếu tố có hại bên ngoài và giúp điều tiết lượng nước/nhiệt độ của cơ thể.