Bạn sẽ thấy điều này quả thật là buồn cười. Thế quái nào mà lễ Giáng Sinh, lễ kỷ niệm ngày Chúa ra đời lại liên quan tới gà rán KFC của ông già suốt ngày mở miệng cười tại đất nước mặt trời mọc? Người dân Nhật với truyền thống văn hóa lâu đời gắn liền với đạo Phật và đạo Shinto lại có thể có các tục lệ liên quan tới đạo Thiên Chúa?
Trên thực tế, đạo Thiên Chúa đã bị cấm tại Nhật Bản vào thế kỷ XVII và các hoạt động truyền giáo chỉ được tiếp tục trở lại vào giữa thế kỷ XIX. Tuy vậy, giữa khoảng thời gian này vẫn có một nhóm nhỏ thiểu số những người Nhật Bản thực hiện việc truyền giáo một cách bí mật. Nhóm này có tên là ‘Kakure Kirishitan’ và mục tiêu của họ là tiếp tục công việc mà thánh Francis Xavier đã thực hiện tại Nhật Bản từ năm 1549. Lễ Giáng Sinh cũng đã được bí mật tổ chức bởi nhóm này trong khoảng thời gian bị cấm và sau đó bắt đầu lan dần ra ngoài cộng đồng khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào giữa thế kỷ XIX.
Theo chính KFC (Kentucky Fried Chicken) thì phong trào ăn gà FKC trong lễ Giáng Sinh tại Nhật Bản được bắt đầu từ những năm 1970. Một vài khách hàng tại các chuỗi cửa hàng Aoyama nhận thấy nếu họ không có gà tây để ăn vào lễ Giáng Sinh thì gà của KFC là một sự thay thế không hề tồi. Nắm bắt được ý tưởng này, năm 1974 KFC đã tung ra một chiến dịch quảng cáo lớn có tên “Kurisumasu ni wa kentakkii!” (Kentucky for Christmas!) và được người dân Nhật Bản hưởng ứng. Thậm chí hình ảnh ông Sander, người sáng lập ra KFC và cũng là ông già mỉm cười trên biểu tượng của KFC đã được biến thành ông già Noel cho đồng nhất với ý tưởng của chiến dịch quảng cáo này.
Ngày nay, ăn gà FKC vào lễ Giáng Sinh đã trở thành thói quen của nhiều người dân Nhật Bản. Nếu tới đất nước mặt trời mọc vào dịp Noel, bạn sẽ thấy những hàng người xếp hàng dài trước các cửa hàng KFC để mua gà và hình ảnh ông Sander đang mỉm cười trong bộ dạng ông già Noel ở khắp nơi. Thậm chí, một số cửa hàng đã nhận đặt gà KFC cho lễ Giáng Sinh từ cách mấy tháng trước!