Mặt trăng không tồn tại song hành cùng Trái đất ngay từ thuở hồng hoang, đơn giản hơn mà nói thì tuổi của Mặt trăng kém xa tuổi của Trái Đất. Vậy Mặt trăng xuất hiện từ đâu ra và Trái đất trước khi có Mặt trăng “lẽo đẽo” xoay vòng quanh mình thì như thế nào?
Giả thuyết gây tranh cãi nhất về sự xuất hiện của Mặt trăng cho rằng Trái đất đã từng bị va đập rất mạnh bởi một hành tinh bay ngang qua. Kết quả của vụ va đập này là một đám mây bụi khổng lồ có kích thước lên tới trên 20.000 dặm. Sau đó, đám mây này dần dần co cụm lại và hình thành nên Mặt trăng như ngày nay. Giả thuyết này được ủng hộ bởi một bằng chứng khoa học : mặc dù Trái đất và Mặt trăng có cấu trúc nhân bên trong khác nhau nhưng tỷ lệ oxy hóa của Trái đất và Mặt trăng là như nhau (và khác hẳn tỷ lệ của các hành tinh khác trong hệ Mặt trời). Dấu hiệu của thủy triều cũng đã được tìm thấy trong các hòn đá cổ tại Nam Phi với tuổi đời là hơn 3 tỷ năm. Thêm một điểm nữa, nếu Mặt trăng từ nơi khác đến và bất thình lình bị Trái đất “tóm” được, quỹ đạo của Mặt trăng sẽ không thể tròn như ngày nay.
Tuy nhiên, chừng đó là vẫn chưa đủ để chúng ta kết luận rằng Mặt trăng có phải được tách ra từ Trái đất hay không. Điểm quan trọng nhất là dấu vết của vụ va chạm đó thì chưa ai khẳng định được (có một số nhà khoa học cho rằng đó chính là Đại Tây Dương nhưng đây mới chỉ là phỏng đoán). Trong lúc chúng ta còn đoán già đoán non về nguồn gốc của Mặt trăng thì có một tin buồn là Mặt trăng đang càng ngày càng dịch chuyển xa dần khỏi Trái đất. Mỗi năm, quỹ đạo của Mặt trăng tăng lên khoảng 3.8 cm và theo ước tính ban đầu thì Mặt trăng chỉ cách Trái đất có hơn 20.000km nhưng nay đã cách Trái đất tới 450.000 km.