9 nguyên tố hóa học được biết tới từ thời cổ đại


Junk yard sexy (metal abstract)


Trong số hơn 110 nguyên tố hóa học thì chỉ có 89 nguyên tố hóa học là tồn tại trong thiên nhiên. Khi tìm hiểu các nguyên tố hóa học này, đa phần chúng ta đều thấy có tên tuổi người tìm ra, xuất xứ tên gọi, năm tìm ra … Tuy nhiên, có một vài nguyên tố là không có những điều trên bởi chúng đã được tìm ra từ rất lâu rồi. Đặc biệt, với từng quốc gia khác nhau thì tên gọi dân gian của các nguyên tố này cũng khác nhau. Có 7 nguyên tố đã được lịch sử ghi nhận là có từ thời xa xưa là 7 kim loại – vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì, thủy ngân cùng 2 phi kim – cacbon và lưu huỳnh.


Điểm qua các nguyên tố này, trước hết đối với phi kim chúng ta thấy cacbon tồn tại rất nhiều trong tự nhiên, ở thể rắn là than và kim cương. Lưu huỳnh tự nhiên cũng có rất nhiều ở gần các núi lửa hoạt động. Vào thời Hy Lạp cổ đại, người dân đã biết đốt lưu huỳnh để tẩy uế nhà cửa và sau đó là xuất hiện trong công thức thuốc súng của người Hy Lạp và Trung Quốc.


Vàng (Au) được lấy từ chữ Aurora (rạng đông) trong tiếng La tinh. Người ta đã tìm thấy dấu hiệu của các đồ vật bằng vàng đi cùng với vũ khí bằng đá ở thời đại đồ đá mới. Vàng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra rất nhiều các cuộc chiến tranh trên thế giới. Vàng quý bởi các tính chất vật lý và hóa học của chúng (không bị oxy hóa, hầu như không tan trong acid, 1 gam vàng có thể kéo thàng 1 sợi dài 2km…)


Bạc (Ag) được coi là song sinh với vàng. Người xưa thể hiện vòng tròn có chấm ở giữa (cho Mặt trời) để chỉ vàng, hình lưỡi liềm (cho Mặt Trăng) để chỉ bạc. Cũng giống như vàng, bạc đã biết tới từ thời cổ đại. Vàng và bạc có tính chất chữa và phòng bệnh rất tốt nên thường được dùng làm chén bát thời xưa.


Đồng (Cu) có lẽ là kim loại đầu tiên thay đá làm công cụ lao động vào khoảng 4000 năm trước Công Nguyên. Sau đó, vào thời kỳ đồng thanh thì con người đã biết nấu chảy đồng từ quặng (đồng lẫn thiếc gọi là đồng thanh). Với khả năng dễ làm nóng chảy, đồng cũng đã được sử dụng để đúc vũ khí vào thời xưa.


Sắt (Fe) là một trong những nguyên tố Trời cho. Nói là Trời cho bởi vì có rất nhiều sắt rơi từ trên trời xuống cùng các thiên thạch. Sau thời kỳ đồ đồng, sắt đã được sử dụng để thay thế. Cứng hơn, bền hơn nhưng khó nung chảy hơn, việc hoàn thiện quá trình luyện sắt thực sự là một trở ngại đối với con người vào thời xưa.


Chì (Pb) cũng được loài người biết tới từ khoảng thời gian 3000-4000 năm trước Công Nguyên thông qua những đồng tiền và những bức tượng bằng chì. Hệ thống dẫn nước La Mã cũng được làm bằng Chì. Người ta thường hay nhầm Chì với Thiếc và thường sử dụng lẫn lộn hai kim loại này vào thời xưa. Chì có nhiệt độ nóng chảy thấp và khá mềm trong điều kiện tự nhiên.


Trong thiên nhiên, thiếc (Sn) không tồn tại ở dạng tự do, nhưng việc luyện thiếc từ SnO2 lại khá đơn giản bởi nhiệt độ nóng chảy thấp (231.9oC). Thiếc có một đặc tính thú vị là sẽ chuyển từ dạng thiếc trắng (thanh kim loại) sang dạng thiếc xám (bột kim loại) ở nhiệt độ 13.2oC. Do vậy, năm 1812 khi quân đội Napoleon phải rút ra khỏi nước Nga, rất nhiều cúc áo làm bằng thiếc trên áo của quân Pháp đã biến thành bột xám.


Thủy ngân (Hg) đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ Ai Cập 3000 năm trước Công Nguyên. Người Ấn độ và Trung quốc cổ đại cũng đã biết dùng thủy ngân để hòa tan vàng và bạc. Thủy ngân là kim loại duy nhất tồn tại trong tự nhiên dưới dạng lỏng. Tại Tây Ban Nha người ta có thể tìm thấy thủy ngân tự nhiên ở trong đáy của các hố trên núi cao. Thời Hy Lạp cổ đại, thủy ngân đã từng được gọi là “bạc nước”.

Bài liên quan

Bài liên quan